Gia Lai: Nhân lên những hành động đẹp từ phong trào cộng đồng Chống rác thải nhựa
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 05:47, 12/12/2020
Phụ nữ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) gom phế liệu bán gây quỹ mua sách vở cho học sinh nghèo |
Nhiều mô hình hiệu quả
Sau hơn 2 năm phát động, phong trào Chống rác thải nhựa được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có sự lan tỏa và đạt được một số kết quả tích cực. Tiêu biểu là những mô hình hay, hành động đẹp được triển khai ở tất cả các địa phương của tỉnh.
Bên cạnh các buổi truyền thông về bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã thành lập các câu lạc bộ hạt nhân “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”. Các cấp Hội đã tổ chức các buổi tổng dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng và xây dựng được 145 mô hình, câu lạc bộ liên quan đến phong trào Chống rác thải nhựa.
Với mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em nghèo” của Hội LHPN thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh), các hội viên đã phân loại, thu gom rác thải tái chế để bán gây quỹ mua sách, vở, áo quần, giày dép tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thông điệp “Tử tế với môi trường” được các cấp hội phụ nữ ở các huyện của tỉnh Gia Lai truyền đạt đến hội viên và người dân trên địa bàn. Từ đó, thành lập được nhiều câu lạc bộ “Nói không với túi nilon”, người dân đã biết sử dụng giỏ xách nhựa, tre, vải, giấy khi đi mua sắm và biết phân loại rác thải. Bên cạnh đó, một số cửa hàng thực phẩm và tạp hóa đã sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường hoặc bao bì carton dễ phân hủy trong kinh doanh.
Các cấp bộ Đoàn tỉnh Gia Lai cũng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chung tay chống rác thải nhựa. Tiêu biểu như huyện Đoàn Chư Păh phối hợp với Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh và Đoàn xã Ia Nhin thực hiện chương trình đổi nước sát khuẩn và khẩu trang lấy rác thải tái chế; huyện đoàn Kông Chro đặt hơn 20 thùng đựng rác tại nơi công cộng và hướng dẫn người dân thu gom, phân loại rác thải...
Lễ ra mắt Câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần" để bảo vệ môi trường của Hội phụ nữ huyện Chư Pưh |
Cần chung tay của cộng đồng
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, đến nay, Sở đã nhận được 37 báo cáo của các sở, ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với nội dung cam kết thực hiện nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hội họp, tiếp khách.
Các sở, ngành, cơ quan nhà nước tỉnh Gia Lai đã triển khai một số chương trình, hoạt động, xây dựng mô hình chống rác thải nhựa; một số chủ doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nhiều hộ dân đã sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa triệt để. Việc sử dụng sản phẩm từ nhựa, sử dụng túi nilon trong đời sống hàng ngày vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải nhựa, tỉ lệ thu gom, tái chế thấp; công nghệ sản xuất, sản phẩm thay thế rác thải nhựa dùng một lần chưa được phổ biến, giá thành còn cao nên chưa khuyến khích được nhiều người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilong và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ông Thái Anh Tuấn – Phó phòng TN&MT huyện Ia Grai nhận định: “Để phong trào chống rác thải nhựa đạt hiệu quả cao hơn cần có những chế tài, biện pháp kiên quyết nhằm hạn chế thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; đặc biệt là không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa, khu dân cư và khuyến khích các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế chất thải nhựa khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện với môi trường”.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh- Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai cũng đánh giá phong trào chống rác thải nhựa tại tỉnh Gia Lai đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để phong trào thực sự lan tỏa và đạt hiệu quả cao cần sự chung tay hưởng ứng hơn nữa của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tổ chức đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên về công tác bảo vệ môi trường, kỹ năng truyền thông môi trường để phát động phong trào mạnh mẽ đến tất cả các tầng lớp nhân dân; giới thiệu các hoạt động tuyên truyền, các mô hình chống rác thải nhựa thiết thực, hiệu quả để địa phương tham gia học tập, triển khai; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, giới thiệu tiêu thụ các sản phẩm bao bì, túi xách, ống hút… thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy nhằm giảm phát thải từ nguồn. Đồng thời, có cơ chế, hạn chế cấp phép sản xuất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần”, bà Vinh đề xuất.