Thanh Hóa: Thực hiện đồng bộ công tác khắc phục thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:00, 02/12/2020
Từ đầu năm 2020 tới nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 27 trận thiên tai (16 đợt giông, lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 5 cơn bão; 6 đợt nắng nóng) gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất tại các huyện Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, thị xã Nghi Sơn, … làm 1 người chết; 2 người bị thương; 9.131/122.477 ha lúa vụ mùa bị thiếu nước tưới do nắng nóng, hạn hán; 1.525 nhà, 117 ha lúa, 110 ha hoa màu, 850 ha cây trồng hàng năm, 42 ha cây trống lâu năm, 46 ha cây ăn quả tập trung, 391 ha rừng bị thiệt hại và nhiều tài sản khác, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Nhằm khắc phục thiên tai, nhiều Dự án khắc phục sạt lở bờ sông được tỉnh Thanh Hóa chú trọng đầu tư |
Ðể chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong điều kiện mưa bão vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã phân công cán bộ tăng cường về cơ sở phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng bị thiệt hại do mưa, lũ. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản về việc hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật ứng phó trước, trong và sau các cơn bão, gửi đến các địa phương, đề nghị thực hiện các phương án tiêu nước như khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng để tránh ngập úng khi gặp mưa lớn. Chuẩn bị đủ lượng hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng khôi phục diện tích vụ đông thiệt hại sau mưa, bão.
Đối với những diện tích cây vụ đông đã gieo trồng bị ảnh hưởng sau mưa bão, nếu tỷ lệ thiệt hại trên 70% thì phá bỏ, gieo trồng lại khi đảm bảo điều kiện. Tỷ lệ thấp hơn thì nhổ bỏ những cây bị chết, chắm dặm đảm bảo mật độ. Cùng với đó tiêu kiệt nước đệm, xới xáo phá váng khi đất khô. Sử dụng các loại chế phẩm qua lá, kích thích ra rễ để hỗ trợ cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.
Xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân các địa phương tại các khu vực nguy hiểm |
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, phối hợp với các sở ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các mục tiêu, địa bàn xung yếu, các hồ đập, công trình đê, kè, cống; những nơi có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở, đất đá, các công trình đang thi công… xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân các địa phương tại các khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia xử lý các tình huống cứu hộ cứu nạn, trên địa bàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, trang bị, phương tiện và tài sản của nhân dân.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cũng đã điều động lực lượng thực hiện ngay công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 theo đúng quy định. Cắm biển báo 2 đầu, làm rào chắn tại các đoạn, tuyến bị hư hỏng, nước ngập mặt đường, cử người chốt trực, chỉ huy, điều khiển giao thông, tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông, ... Chỉ đạo nhà thầu thi công hốt đất sạt ta luy đường, hót bùn đất sa bồi trên mặt đường, nạo vét khơi thông cống, rãnh... để kịp thời thông xe.
Đồng thời cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện, thành lập các đoàn để giúp đỡ nhân dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, hướng dẫn nhân dân khôi phục diện tích cây trồng bị hư hại, khẩn trương khắc phục các sự cố giao thông nông thôn; đồng thời tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.