Gỡ điểm nghẽn về hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Kinh tế - Ngày đăng : 13:57, 11/12/2020
Đặc thù địa hình sông nước khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL rất khó khăn (Trong hình: Chợ nổi Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Internet |
Hạ tầng kỹ thuật yếu và thiếu đồng bộ
Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh/thành phố, chiếm 12,3% diện tích toàn quốc, hiện có 174 đô thị gồm: 01 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 02 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng trên 31%, thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước (gần 40%).
Phát biểu tại Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL những năm qua đã được đẩy mạnh, đạt các kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu; các chương trình nhà ở cho các đối tượng chính sách vùng ĐBSCL thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra…
Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18-19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5-7,5 triệu người; tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35%-40%, đây là tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội thế giới và cả nước biến động khó lường, cùng với các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên khí hậu, địa chất của khu vực, có thể thấy việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị gặp nhiều thách thức.
Theo bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu mở rộng đất đô thị lớn, đòi hòi phải hoàn thiện chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong khi đó, công tác nghiên cứu cơ sở lý luận, phương pháp luận đổi mới về quy hoạch và phát triển đô thị còn chưa kịp thời. Tại một số địa phương, công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch còn chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Một số đô thị đang phải đối mặt với tình trạng không đồng bộ, quá tải về hạ tầng như: tình trạng thiếu kết nối, ùn tắc về giao thông, hệ thống cấp nước bị nhiễm mặn, thoát nước còn tình trạng ngập úng cục bộ, còn thiếu công trình xử lý nước thải, rác thải,...
Hệ thống giao thông trong vùng hiện đang được chú ý đầu tư phát triển, trong thời gian ngắn tới đây các đường cao tốc kết nối từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh trong vùng sẽ được hoàn thiện. Đây là yếu tố rất thuận lợi tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các địa phương cần phải có sự chuẩn bị trước phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, tạo sự đồng bộ để quá trình phát triển được hài hòa và bền vững.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng cho rằng, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai. Các hiện tượng như nhiệt độ tăng, nước biển dâng, sụt lún nền đất, lũ lụt, hạn hán và nhiễm mặn xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, làm mất an toàn, xáo trộn cuộc sống người dân. Trong khi đó, công tác dự báo, đánh giá chính xác tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các kịch bản và thiên tai còn hạn chế. Với các điều kiện bất lợi về địa chất, địa chất thủy văn, việc xây dựng hệ thống hạ tầng tại khu vực ĐBSCL là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật.
Mặt khác, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL là rất lớn trong khi các nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Do đó, cần có các chính sách, hoạt động ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trong chiến lược phát triển đô thị của vùng ĐBSCL. Ngoài ra, công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng chưa được thực hiện kịp thời, đúng mức, làm hạn chế hiệu quả tổng thể của toàn bộ công trình. Trình độ, năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng còn yếu, chưa đáp ứng được sự phức tạp của hệ thống, chưa bảo đảm đồng bộ và yêu cầu kỹ thuật.
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, những hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL những năm qua là do nguồn lực dành cho phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở của vùng ĐBSCL còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách, trong khi việc phân bổ, thực hiện đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc thực hiện xã hội hóa đầu tư và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Về giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL thời gian tới, bà Mai Thị Liên Hương cho rằng, cần chú trọng hơn cho công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng và hạ tầng các đô thị. Tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch giao thông, cấp nước, thoát nước, chất thải rắn... các vùng KTTĐ, lưu vực sông nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải trong vùng.
"Quy hoạch vùng ĐBSCL cần thống nhất quan điểm từ “Sống chung với lũ” đến “Sống chung với biến đổi khí hậu”". Ảnh minh họa |
Còn theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), quy hoạch vùng ĐBSCL cần thống nhất quan điểm từ “Sống chung với lũ” đến “Sống chung với biến đổi khí hậu”. Do vậy cần đổi mới phương pháp tiếp cận. Mặt khác, quy hoạch vùng ĐBSCL không nên là quy hoạch của các kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư mà phải là quy hoạch hợp nhất đa ngành, có tính kế thừa và đặt trọng tâm quản lý và bảo về nguồn nước; bảo tồn hệ sịnh thái, văn hóa, đặc thù sông nước đặc thù định cư và dân cư… ĐBSCL lấy phát triển đô thị và nông thôn là động lực phát triển kinh tế của vùng; tăng cường phát triển du lịch, giao thông và vận tải thủy…
Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bà Mai Thị Liên Hương cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung đối với kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch vùng ĐBSCL. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải đô thị và nông thôn phù hợp với vùng ĐBSCL theo định hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu, thực hiện công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị, trong đó đặc biệt chú ý đến quá trình lún của đô thị. Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, chống thất thoát, lãng phí.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, định hướng phát triển đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL trong thời kỳ mới cần gắn kết chặt chẽ với sự hình thành các tiểu vùng sinh thái ngập lũ, ven biển, nước ngọt… làm cơ sở để định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng phù hợp; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên kết với TP. Hồ Chí Minh; hướng tới mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL bền vững, an toàn, thịnh vượng.