Nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng 3 độ C
Thế giới - Ngày đăng : 15:33, 10/12/2020
Trẻ em tránh nóng trong công viên tại Washington D.C., Mỹ vào ngày 21/7/2019 |
Báo cáo hàng năm mới nhất có tên “khoảng cách phát thải” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, thế giới đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm băng tan nhanh ở Bắc Cực cũng như các đợt nắng nóng kỷ lục và cháy rừng ở Siberia và miền Tây nước Mỹ. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết tháng trước là tháng 11 nóng nhất từng được ghi nhận.
Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP cho biết: “Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi đó, cháy rừng, bão và hạn hán tiếp tục tàn phá”.
Báo cáo chỉ rõ, lượng khí thải năm nay, đã sụt giảm mạnh tạm thời do đại dịch COVID-19 cản trở sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Việc giảm đi lại, hoạt động công nghiệp và sản xuất điện có thể khiến lượng khí thải giảm 7%. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là chỉ giảm 0,01 độ C mức nóng lên toàn cầu vào năm 2050. Việc đầu tư xanh theo các gói kích thích kinh tế của chính phủ sẽ giúp các nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra và có thể cắt giảm tới 25% lượng khí thải dự kiến vào năm 2030. Các gói này có thể đưa lượng khí thải vào năm 2030 ở mức 44 GtCO2e - trong phạm vi tạo 66% cơ hội đảm bảo nhiệt độ tăng lên dưới 2 độ C, nhưng vẫn không đủ để đạt được mục tiêu 1,5 độ C.
Hiện nay ngày càng có nhiều quốc gia cam kết không phát thải ròng vào giữa thế kỷ này nhưng để đạt được mục tiêu này, các nước cần đưa ra những chính sách và hành động mạnh mẽ trong ngắn hạn. “Mục tiêu tham vọng trong Thỏa thuận Paris vẫn phải tăng gấp 3 lần đối với lộ trình hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến 2 độ C và tăng ít nhất gấp 5 lần đối với lộ trình 1,5 độ C”, báo cáo chỉ rõ.