Các điển hình tiên tiến là nòng cốt của phong trào thi đua yêu nước
Trong nước - Ngày đăng : 14:03, 10/12/2020
Thi đua phải thiết thực và bổ ích, tránh lối mòn, tẻ nhạt
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.
Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các ngành, các cấp, các địa phương có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực. Nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội và của nhân dân vào xây dựng quê hương, đất nước, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, lan toả rộng khắp.
Qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc. Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng; đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các thành viên hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp.
Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.
Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hoà các lợi ích: Lợi ích của người lao động, lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, lợi ích của xã hội.
Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương; quan tâm và cụ thể hoá bằng các quy định về việc khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời. Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thi đua phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua; tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, sau Đại hội, hơn 2.000 đại biểu là điển hình tiên tiến, anh hùng, chiến sĩ thi đua có mặt hôm nay tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan toả sâu rộng đến cộng đồng xã hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội |
Tôn vinh các điển hình tiên tiến
Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã cùng theo dõi buổi giao lưu “Những tấm gương điển hình tiên tiến”, là những gương mặt tiêu biểu trong số hơn 2000 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020, những con người Việt Nam có thành tích nổi bật và đóng góp to lớn cho xã hội.
Đó là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, “anh hùng của đồng ruộng”, “cha đẻ” của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25. Là “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô, người chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương, vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường. Cô giáo Hà Ánh Phượng đã từ bỏ công việc đầy hấp dẫn ở thành phố với mức lương hậu hĩnh để trở về quê hương, một huyện miền núi, dạy học. Từ đó, giúp các em nhỏ thực hiện ước mơ, sống một cuộc đời ý nghĩa.
Trong số các gương mặt tham gia giao lưu còn có ông Lê Văn Quyết (48 tuổi), Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông cùng cậu cháu ngoại mới 14 tuổi nhịn đói, bất chấp hiểm nguy rình rập, đã dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân được an toàn, trong khi bản thân gia đình mình cũng đang gặp nạn. Hay Đại tá Mai Hoàng với hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy để đấu tranh với “cái chết trắng”.
Tham gia buổi giao lưu, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tham gia ca mổ tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi –Diệu Nhi và gia đình hai bé cũng đã có những lời chia sẻ xúc động về quá trình thực hiện ca phẫu thuật. Đây cũng là mốc dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, đưa nước ta lên bản đồ y khoa thế giới.
Những câu chuyện về lòng quyết tâm, về những nỗ lực phi thường các tấm gương đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ toàn thể Đại hội.
Giai đoạn mới 2020- 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
Tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025. Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào sẽ tập trung thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước... Đồng thời, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Các Ban, Bộ, ngành Trung ương thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo khả thi, hiệu quả, nghiêm minh, theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Các địa phương thi đua xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Một nội dung quan trọng nữa là thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào thị trường khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam. Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021-2025 |
Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025 khi còn dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 nhằm tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận tụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vaccine phòng dịch sớm nhất.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là 4 phong trào thi đua đã được Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu cao các phong trào thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, cần tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị sau Đại hội hôm nay, các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, căn cứ chủ đề của Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để phát động mạnh mẽ phong trào thi đua với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, rộng khắp, thiết thực. Trước mắt, tổ chức đợt thi đua đặc biệt sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích cao nhất, thiết thực chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.