40 năm ngành Viễn thám Việt Nam: Khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:12, 10/12/2020

(TN&MT) - Được thành lập vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay, ngành Viễn thám đã không ngừng phát triển trở thành một lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại, đạt mức tiên tiến của khu vực. Cục Viễn thám Quốc gia đã tham mưu, giúp Bộ trưởng về quản lý và thực thi các hoạt động viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển.

Nhân dịp kỷ niệm 40 xây dựng và phát triển Cục Viễn thám Quốc gia, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia về những thành tựu đạt được trong chặng đường vừa qua và chiến lược, định hướng phát triển ngành Viễn thám trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia 

PV: Thưa ông, nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển ngành Viễn thám, ông có thể cho biết những nét khái quát về các thành tựu nổi bật của ngành trong những năm qua?

TS. Nguyễn Quốc Khánh:

Cục Viễn thám quốc gia mặc dù mới được thành lập từ năm 2013, tuy nhiên lịch sử xây dựng và phát triển của Cục đã trải qua 40 năm. Từ một Tổ Viễn thám rồi thành Phòng Viễn thám tới Trung tâm viễn thám, Trung tâm Viễn thám Quốc gia rồi nay là Cục Viễn thám Quốc gia, trực thuộc Bộ TN&MT. Điều này không chỉ chứng tỏ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục Viễn thám Quốc gia mà còn thể hiện chiến lược, kế hoạch phát triển đúng đắn của Đảng bộ, lãnh đạo Cục Viễn thám Quốc gia các thời kỳ.

Ngay từ những năm khó khăn nhất của đất nước, Cục đã ứng dụng công nghệ cao thành công vào trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Cho đến nay, về cơ bản đã hình thành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực viễn thám, đưa các hoạt động viễn thám vào khuôn khổ của pháp luật.

Viễn thám ban đầu chỉ ứng dụng trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ nay đã được ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong cả nước như Quản lý Tài nguyên Đất, Tài nguyên Nước, Môi trường, Biển và Hải đảo, Địa Chất khoáng sản, Đo đạc và Bản đồ, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Lâm nghiệp, Nông nghiệp... Cộng đồng ứng dụng công nghệ viễn thám từ trung ương đến địa phương đã hình thành và ngày càng phát triển.

Từ năm 2013 đến nay, Cục đã xây dựng, trình ban hành được 16 văn bản quản lý Nhà nước, trong đó 2 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ là Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 4/1/2019 quy định về hoạt động viễn thám và Quyết định số 149/QĐ-TTG ngày 1/2/2019 phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Thứ trưởng Lê Công Thành thăm quan trạm thu ảnh viễn thám

PV: Được biết, viễn thám là một trong những công cụ khoa học đạt hiệu quả cao trong công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, xin ông cho biết ở Việt Nam chúng ta đã ứng dụng công nghệ này như thế nào trong các lĩnh vực nêu trên?

TS. Nguyễn Quốc Khánh:

Đúng vậy, công nghệ viễn thám đang có những bước phát triển nhanh trong vài thập kỷ trở lại đây. Thông tin thu thập từ vệ tinh quan trắc trái đất ngày càng có độ chi tiết cao, với tần xuất ngày càng cải thiện. Việc kết hợp công nghệ viễn thám với công nghệ truyền thống trong quan trắc môi trường cho phép cải thiện độ chính xác thông tin quan trắc.

Nhà nước đã có nhiều đầu tư vào phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ nói chung và công nghệ viễn thám nói riêng, như: Sử dụng ảnh ra đa trong giám sát và xác định nguyên nhân ô nhiễm dầu trên Biển Đông; giải quyết các vấn đề về quản lý và giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, theo dõi, kiểm kê đất đai, giám sát diện tích rừng, ứng dụng trong công tác địa chất, giám sát môi trường, điều tra tài nguyên đới bờ và biển, hải đảo, theo dõi thiên tai...

PV: Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và những thành tựu trong 40 năm qua, ngành Viễn thám đã xây dựng định hướng chiến lược phát triển cụ thể như thế nào để trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ của thế giới?

TS. Nguyễn Quốc Khánh:

Ngành Viễn thám tiếp tục xây dựng các mục tiêu cần phải đạt được đó là: Bảo đảm việc xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin viễn thám khách quan, đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm phục vụ các yêu cầu của quản lý Nhà nước về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phòng chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đến năm 2030, Cục Viễn thám Quốc gia sẽ ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược, hướng dẫn các đơn vị triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: tăng cường năng lực quản lý viễn thám trong giám sát tài nguyên môi trường bằng công nghệ viễn thám, thực hiện các nhiệm vụ: lập quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển địa phương, giám sát sử dụng đất, môi trường, tài nguyên nước, quản lý biển hải đảo, nông nghiệp, giao thông, quy hoạch xây dựng…

Trải qua 40 năm phát triển, Cục Viễn thám Quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ TN&MT, sự cộng tác, giúp đỡ của các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tác nước ngoài; với sự nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu xây dựng đơn vị phát triển, Cục Viễn thám Quốc gia đã được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể và cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT và nhiều phần thưởng cao quý khác.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thủy (thực hiện)