Cao Bằng: Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 10/12/2020

(TN&MT) - Để chủ động đối phó với thời tiết khắc nghiệt và phòng tránh thiệt hại cho đàn gia súc khi mùa đông đến, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét, dịch bệnh gây ra.

Để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, người dân không nên thả rông trâu, bò ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12°C.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng, hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có hơn 211.000 con, tập trung nhiều tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Quảng Hòa, Nguyên Bình… Theo thống kê, vụ Đông – Xuân năm 2019 – 2020, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại đã làm cho 454 con gia súc bị chết, trong đó có 332 con trâu chết, 95 con bò chết.

Rút kinh nghiệm từ vụ Đông – Xuân năm trước, để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, ngay từ tháng 9/2020, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc; vận động nhân dân sửa chữa, củng cố lại hệ thống chuồng trại gia súc; tuyên truyền người dân không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ; tăng cường chăm sóc các loại cây thức ăn chăn nuôi để bổ sung thức ăn thô xanh; trồng các giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở trong việc hướng dẫn, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi tại khu vực vùng cao, những nơi thường có thiệt hại do rét đậm, rét hại trong những năm gần đây. Chủ động sử dụng lồng ghép các nguồn vốn đã được giao và các nguồn vốn khác để hỗ trợ kịp thời công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; quan tâm hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.

Công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong vụ Đông – Xuân năm 2020 – 2021 đã được huyện Nguyên Bình quan tâm chú trọng. Theo đó, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp về phòng chống đói, rét cho gia súc, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ, nhằm giảm thiệt hại mức thấp nhất cho người chăn nuôi.

Bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình cho biết: Huyện Nguyên Bình hiện có tổng đàn trâu, bò trên 19.000 con. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc nên nhận thức của người dân cũng đã được nâng lên, đã chú trọng gia cố, vệ sinh chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc trước mùa đông đến. Cùng với đó, huyện phân công cán bộ, công chức trực tiếp xuống từng thôn, xóm chỉ đạo thú y, khuyến nông cơ sở hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Cùng với vấn đề về gia cố, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc, huyện Nguyên Bình cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả rông trâu, bò ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12°C; đốt lửa sưởi cho gia súc bằng trấu hoặc mùn cưa, sưởi ấm bằng bóng điện tại chuồng đối với trâu, bò già, bê, nghé.

Chuồng trại gia súc của gia đình anh Dương Văn Đại, xóm Tân Thịnh, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) được xây dựng kiên cố và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo.

Những năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Dương Văn Đại, xóm Tân Thịnh, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) chủ yếu dựa vào việc chăn nuôi bò, vì vậy đối với việc chăm sóc, đảm bảo công tác phòng chống đói, rét cho đàn bò trước khi bước vào mùa rét luôn được quan tâm. Anh Dương Văn Đại chia sẻ, hiện gia đình tôi có 8 con bò, đây cũng là tài sản lớn nhất. Mùa đông năm nay, gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, quây bạt kín tránh gió lùa, khi nhiệt độ xuống thấp, tuyệt đối không thả rông đàn bò; tích trữ rơm, ngô và dành hơn 1.000 m² đất trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn tươi cho đàn bò.

Dự báo tình hình thời tiết mùa đông năm nay lạnh hơn so với nền nhiệt độ trung bình hằng năm, khả năng sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, thì người dân cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Nguyễn Hùng