Điện Biên: Để chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống

Môi trường - Ngày đăng : 15:40, 09/12/2020

(TN&MT) - Với chức năng nhiệm vụ được giao, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên luôn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đến các chủ rừng kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và của cộng đồng để việc sử dụng tiền DVMTR có hiệu quả, thiết thực.

Nhờ có chính sách chi trả DVMTR mà người dân tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng.

Để có căn cứ thanh toán tiền chi trả DVMTR, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đều phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố; đại diện UBND các xã, phường, thị trấn và đại diện chủ rừng tiến hành kiểm tra, rà soát đối chiếu các lô rừng có biến động theo số liệu, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng do Chi cục Kiểm lâm cung cấp. Tổng hợp diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR theo kết quả công bố hiện trạng rừng của tỉnh Điện Biên.

Cùng với đó, tuyên truyền chính sách và hướng dẫn mở tài khoản chi trả DVMTR cho các chủ rừng (qua tài khoản ngân hàng và tài khoản ngân hàng số Viettell Pay) nhằm góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả; tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và của cộng đồng.

Trong tháng 11/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi tạm ứng tiền DVMTR năm 2020 cho các chủ rừng lưu vực sông Đà với số tiền gần 40 tỷ đồng.

 

Cũng trong tháng 11/2020, Ban kiểm soát Quỹ phối hợp với Ban điều hành Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019 đối một số xã trên địa bàn các huyện Mường Nhé. Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu về tình hình quản lý, sử dụng tiền DVMTR của UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng; kiểm tra hoạt động tổ chức chi trả tiền DVMTR của UBND xã (Đối với diện tích mà UBND xã có thuê khoán); kiểm tra hoạt động công khai tài chính của UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.

Kết quả kiểm tra cho thấy UBND các xã đã cơ bản nghiêm túc thực hiện việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR năm 2019. Chi tạm ứng cho các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, ngăn chặn, truy quét các hành vi vi phạm… theo đúng quy định hiện hành. Phương án quản lý bảo vệ rừng và sử dụng tiền DVMTR năm 2019 được lập theo hướng dẫn, trình UBND huyện phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện. Các nội dung chi chủ yếu tập trung chi cho người bảo vệ rừng và chi cho một số hoạt động của Ủy ban nhân dân xã, như: Công tác kiểm tra rừng, hội nghị tuyên truyền, sơ kết, tổng kết và mua văn phòng phẩm phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng… đang được các cơ quan chuyên môn thẩm định và trình UBND huyện Mường Nhé phê duyệt vào thời gian tới để UBND các xã thực hiện.

Ban kiểm soát Quỹ phối hợp với Ban điều hành Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR năm 2019 tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Việc UBND các xã sử dụng trả tiền DVMTR theo đúng phương án quản lý bảo vệ rừng và sử dụng tiền DVMTR được UBND cấp huyện phê duyệt là một nguồn lực cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ cho việc mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đang còn thiếu ở cấp xã; mặt khác tiền DVMTR còn là nguồn kinh phí giúp chính quyền địa phương huy động, trả công trực tiếp cho lực lượng bảo lâm, người dân tham gia trực tiếp bảo vệ rừng. Bên cạnh đó UBND các xã cũng sử dụng để tổ chức tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, chính sách chi trả DVMTR giúp các hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản trong xã từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Thông qua việc kiểm tra, giám sát của đoàn công tác đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để UBND các xã có hướng giải quyết, khắc phục.

Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng chấm dứt tình trạng phá rừng, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Các đơn vị, cộng đồng và hộ cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã có thêm nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Hà Thuận