Thiết lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 06:36, 09/12/2020

(TN&MT) - Từ kết quả làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Nhóm nghiên cứu của Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chủ đề quản lý xuyên suốt các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường, phục vụ đắc lực công tác điều hành, tác nghiệp trên thiết bị thông minh và internet (http://vanban.monre.gov.vn/)

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường và các chủ đề quản lý xuyên suốt từ Luật đến các văn bản hướng dẫn thi hành là đòi hỏi bức thiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh minh họa: Hoàng Minh

Đòi hỏi khách quan

Tin học hóa hồ sơ, tài liệu, văn bản để hướng đến nâng cao hiệu quả điều hành, mang lại thuận lợi cho công chúng, tăng cường sự công khai minh bạch là đòi hỏi khách quan của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Đây cũng là mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực xây dựng.

Xuất phát từ thực tiễn công việc hàng ngày phải tiếp nhận và xử lý khối lượng văn bản rất lớn, nhóm tác giả từ Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chủ đề quản lý xuyên suốt các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường phục vụ công tác điều hành, tác nghiệp trên thiết bị thông minh và internet”. Sản phẩm đầu ra của đề tài là thiết lập được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường theo các chủ đề quản lý xuyên suốt từ Luật đến các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, xây dựng thành công phần mềm tra cứu văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường trên internet và tiến tới sử dụng trên các thiết bị di động thông minh ở cả hai nền tảng phổ biến nhất hiện nay là Android và IOS.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, hiện nay hơn 90% nhu cầu của người sử dụng các thiết bị di động thông minh là để tìm kiếm thông tin. Tác vụ này được thực hiện thông qua việc kết nối mạng internet bằng các phương thức kết nối 3G, 4G, WIFI hoặc qua các ứng dụng, tiện ích được tải về và cài đặt trên các thiết bị. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 64 triệu người dùng Internet, chiếm 66% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Việt Nam cũng nằm trong top 20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới.

Với sự phát triển vượt bậc của internet thì việc lưu trữ, truyền tải các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được thay đổi từ việc in sách, đóng cuốn từng tập văn chuyển sang lưu trữ, truyền tải thông qua các trang mạng điện tử. Việc tìm hiểu các quy định của pháp luật của mọi người cũng thay đổi từ cách tìm hiểu các quy định của pháp luật tại các thư viện, nhà sách thì bây giờ có thể dễ dàng tìm hiểu thông qua internet.

Theo ông Trần Long Hưng, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và Văn thư, lưu trữ (Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường), chủ nhiệm đề tài, hiện nay cũng có nhiều trang thông tin điện tử hoặc một số ứng dụng được phát triển trên thiết bị di động để phục vụ nhu cầu tra cứu văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các ứng dụng này không hệ thống hóa theo lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ví dụ cần tập hợp tất cả các văn bản về lĩnh vực đất đai hoặc môi trường sẽ mất rất nhiều thời gian và khả năng còn thiếu là rất cao, do đó đề tài sẽ thiết kế phần mềm để chỉ cần bấm vào nút lĩnh vực Đất đai sẽ hiện ra toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai từ Luật đến Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư… và một số Nghị quyết của Đảng về chính sách đất đai, cho phép tải về dạng file .DOC và .PDF.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện thí điểm tổng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ năm 1976 đến 2008 với tổng số văn bản được rà soát là 2.445 văn bản và 51 điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Hoàn thành công bố kết quả hệ thống hóa kỳ đầu văn bản quy phạm pháp luật đến hết ngày 30/12/2014 đồng thời thực hiện rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau rà soát kỳ đầu 2014 - 2018. Như vậy, có thể thấy khối lượng văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường là rất lớn và đa dạng.

“Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường và các chủ đề quản lý xuyên suốt từ Luật đến các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng phần mềm tra cứu văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường và tra cứu các chủ đề quản lý xuyên suốt từ Luật đến các văn bản hướng dẫn thi hành trên thiết bị thông minh và intenet nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân là rất cần thiết”, ông Trần Long Hưng, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

Giao diện trang tra cứu thông tin văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường (tại địa chỉ: http://vanban.monre.gov.vn/Default.aspx)

Tính ứng dụng cao

Xuất phát từ mục tiêu đề ra, đề tài đã tập trung nghiên cứu, thực hiện nhiều nội dung công việc. Trước tiên là nghiên cứu đánh giá thực trạng các hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật trên thiết bị thông minh và internet hiện nay; tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống dữ liệu, phần mềm tra cứu văn bản và các chủ đề quản lý trên thiết bị thông minh và internet.

Nghiên cứu các yêu cầu đối với ứng dụng trên internet và thiết bị thông minh phục vụ tra cứu trực tuyến các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường, các chủ đề quản lý. Thu thập, tổng hợp, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thuộc 8 lĩnh vực quản lý của Bộ gồm: đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, viễn thám; phân nhóm theo lĩnh vực và theo loại văn bản.

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các chủ đề quản lý đối với 8 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ và trích dẫn nội dung các Điều, Khoản, Điểm có liên quan quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn khác. Tiến hành thu thập, tổng hợp, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực do các cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan trực tiếp đến ngành tài nguyên và môi trường (do các Bộ, ngành khác ban hành hoặc trình ban hành).

Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng tổ chức thu thập, tổng hợp, hệ thống hóa các văn bản ban hành chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động, quy chế thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; chuyển đổi dữ liệu. Thu thập, tổng hợp, hệ thống hóa các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị trực thuộc các Tổng cục; chuyển đổi dữ liệu. Nghiên cứu, đề xuất nội dung của Quy chế cập nhật dữ liệu.

Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý hệ thống, kế hoạch cập nhật, duy trì và vận hành hệ thống. Xây dựng ứng dụng trên internet (website vanban.monre.gov.vn) phục vụ tra cứu trực tuyến các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường, các chủ đề quản lý. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên hệ điều hành Android và hệ điều hành iOS cho các thiết bị thông minh phục vụ tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên và môi trường ngay cả khi không có kết nối internet.

Chủ nhiệm đề tài, ông Trần Long Hưng cho biết, kết quả của đề tài theo đánh giá sẽ có tính ứng dụng cao bởi cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác và cần thiết phục vụ việc tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, các chủ đề quản lý và văn bản hỏi - đáp liên quan đến 8 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sản phẩm của đề tài sẽ được chuyển giao, khai thác và sử dụng trên mạng internet, phục vụ và đáp ứng các nhu cầu tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin. Đồng thời là ứng dụng được xây dựng trên nền tảng Adroid và iOS cho phép tra cứu văn bản trên các thiết bị thông minh phổ biến như điện thoại thông minh, máy tính bảng, đáp ứng nhu cầu tra cứu ngay cả khi không có kết nối internet.

“Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu là rất lớn. Kết quả đề tài đáp ứng yêu cầu tra cứu văn bản quy phạm pháp luật không chỉ phục vụ công tác lãnh đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, mà còn là kênh thông tin hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp trong áp dụng pháp luật về tài nguyên và môi trường, góp phần tăng cường công tác cải cách hành chính ngành tài nguyên và môi trường”, ông Trần Long Hưng nhấn mạnh.

Lưu Nguyên Sơn