Khu mỏ Khe Chàm (Quảng Ninh): Chính xác hóa cấu trúc địa chất khu mỏ
Khoáng sản - Ngày đăng : 14:14, 08/12/2020
Đó là khẳng định của đại diện Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường (VITE), đơn vị tư vấn lập Báo cáo thăm dò tại cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia do Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì mới đây tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường cho biết, Báo cáo kết quả thăm dò than khu mỏ Khe Chàm, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết được một số vấn đề tồn tại của công tác thăm dò giai đoạn trước, đảm bảo độ tin cậy về tài liệu kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu đề ra, là cơ sở cho việc nghiên cứu điều chỉnh và phát triển các dự án đang khai thác, lập các dự án đầu tư khai thác mới theo Quy hoạch phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy vậy, trong Báo cáo lần này còn tồn tại một số vấn đề như: Một số khu vực gần các đứt gãy còn hạn chế về cự ly dịch chuyển và liên kết đồng danh vỉa, trong giai đoạn tiếp theo cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm trong quá trình khai thác.
Ngoài ra, một số lỗ khoan giai đoạn thăm dò trước có chất lượng lấy mẫu than thấp, tài liệu địa - vật lý chỉ có 2 đường điện nên việc xác định chiều dày, cấu tạo vỉa độ tin cậy chưa cao.
Hơn nữa, việc đánh giá mức độ chứa khí thông qua kết quả mẫu định lượng và định tính có liên hệ với cấu trúc địa chất là cơ sở quan trọng, tuy nhiên chưa thể đại diện cho mức độ chứa và thoát khí khi triển khai các đường lò khai thác.
Tập thể tác giả Công ty VITE đã tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa hoàn thiện về nội dung, hình thức Báo cáo theo các ý kiến thẩm định, góp ý của Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và các chuyên gia phản biện.
Công tác đào lò tại vị trí mức -350 m khu Khe Chàm II - IV. Ảnh: MH |
Ông Nguyễn Xuân Toán - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận định: Khu mỏ Khe Chàm thuộc dải than Hòn Gai - Cẩm Phả là một trong những khu mỏ có trữ lượng, tài nguyên than lớn, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Khu mỏ đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu địa chất và thăm dò, công tác nghiên cứu địa chất giai đoạn này chủ yếu là thu thập, tổng hợp các tài liệu địa chất, tài liệu công trình thăm dò để chỉnh lý bản đồ lộ vỉa tỉ lệ 1/5.000 trên diện tích 16,32 km2. Công tác nghiên cứu địa chất đã xác định khu mỏ Khe Chàm có mặt trầm tích của hệ tầng Hòn Gai và các thành tạo bở rời hệ Đệ Tứ.
Công tác thi công công trình khoan thăm dò, kết hợp tài liệu đo địa vật lý lỗ khoan và các tài liệu thăm dò giai đoạn trước đã đáp ứng yêu cầu để khoanh nối vỉa than và tính trữ lượng cấp 121, cấp 122 và tài nguyên cấp 333 từ lộ vỉa đến mức cao - 700 m.
Theo ông Nguyễn Xuân Toán, trữ lượng sau thăm dò đạt 132% so với mục tiêu đề án đặt ra, riêng trữ lượng từ mức cao -350 m đến -500 m tăng 1.618 nghìn tấn so với trữ lượng đã được Hội đồng phê duyệt năm 2015. Nhìn chung, Báo cáo kết quả thăm dò than khu mỏ Khe Chàm, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã tổng hợp được tài liệu thu thập trong quá trình thăm dò, đánh giá chất lượng và tính được trữ lượng, tài nguyên than trong khu thăm dò.
Đánh giá về Báo cáo trên, ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Báo cáo được thành lập theo đúng quy định; số liệu thu thập từ công tác thăm dò để tổng hợp đánh giá cơ bản có đủ độ tin cậy để khoanh nối, đánh giá tính trữ lượng, tài nguyên khoáng sản.
Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường (VITE) là đơn vị lập các Báo cáo kết quả thăm dò than phục vụ các dự án đầu tư khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) theo Quy hoạch phát triển nghành than của Thủ tướng chính phủ, trong đó có mỏ than Khe Chàm.
TKV đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép thăm dò số 1374/GP-BTNMT ngày 6/8/2013 và được gia hạn thời gian thăm dò đến 31/12/2018 theo Quyết định số 1721/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2016, đến nay công tác thăm dò đã kết thúc và được lập “Báo cáo kết quả thăm dò than khu mỏ Khe Chàm, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh” trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt.