Xin đừng vứt pin bừa bãi

Môi trường - Ngày đăng : 09:52, 08/12/2020

(TN&MT) - Với lịch sử hơn 200 năm, đến nay, pin là nguồn năng lượng thông dụng cho nhiều thiết bị cá nhân, gia dụng cho đến các ứng dụng công nghiệp.

Có nhiều chủng loại, kích thước pin khác nhau tương ứng với rất nhiều thiết bị tiêu thụ điện từ đồng hồ đeo tay, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, máy tính bảng đến pin cỡ lớn dùng cho xe điện,...

Rác thải điện tử phải được tiêu hủy khác các loại rác thông thường

Có kích thước nhỏ gọn, những viên pin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người.

Pin đã, đang và sẽ là một công cụ lưu trữ năng lượng được sử dụng phổ biến không chỉ trong hiện tại mà còn nhiều năm nữa trong tương lai, tuy nhiên, bên trong đó cũng là một “mỏ” hóa chất độc hại.

Pin đã qua sử dụng đang khiến cho con người phải đau đầu để xử lý chúng. Bởi lẽ, pin thải không phải loại rác thông thường, nó chứa rất nhiều hoá chất độc hại cho sức khoẻ. Pin không thể vứt vào thùng rác cùng với các loại rác thải khác mà cần được thu gom và xử lý riêng.

Nếu không được phân loại, tiêu hủy đúng quy trình sẽ trở thành mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Trong pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… đều là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Pin chứa rất nhiều chất độc hại nên cần được phân loại đúng cách. Lượng thủy ngân (Hg) có trong một viên pin là rất lớn, khi lượng thủy ngân từ pin thấm vào nguồn nước xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, thủy ngân thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch…

Chì (Pb) có trong pin có thể gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận…

Khi hít thở phải bụi có chứa Cadimi (Cd) trong pin sẽ dẫn đến các vấn đề về hệ hô hấp và thận, có thể gây tử vong. Nuốt phải một lượng nhỏ cadimi sẽ phát sinh ngộ độc tức thì và tổn thương gan, thận. Các hợp chất chứa cadimi cũng là các chất gây ung thư. Ngoài ra, trong pin còn có rất nhiều chất khác gây nguy hiểm cho con người.

Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, chúng ta có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, để rồi người ta sẽ xử lý chúng bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt. Nếu chôn lấp, các kim nặng này thấm vào đất và nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí.

Chính vì thế, nhiều năm qua, các chiến dịch 'đừng vứt pin' đã được phát động ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, pin và ắc quy đã qua sử dụng không được phép bỏ vào thùng rác để hủy như các loại rác thông thường mà cần được phân loại. Đối với những bình ắc quy đã qua sử dụng, phải tìm chỗ khô ráo, sạch sẽ và xa tầm tay trẻ em để bảo quản tạm thời, rồi ngay lập tức chuyển chúng trực tiếp kèm theo thông báo cho các công nhân thu gom rác thải sinh hoạt. Đối với các thỏi pin đã qua sử dụng, có thể cho chúng vào lọ thủy tinh sạch để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và xa tầm tay trẻ em.

Chiến dịch kêu gọi mọi người đừng vứt pin vào thùng rác và tạo cho mình thói quen phân loại rác, đặc biệt không bỏ chung pin với rác thải sinh hoạt, đã được triển khai ở nhiều địa phương. 

Các nhà khoa học dự đoán tiếp theo sẽ là sự ra đời của những thế hệ pin phát triển dựa trên tiến bộ của công nghệ nano giúp tăng cường hiệu suất cũng như kích thước và tuổi thọ của pin.

Nhưng, dù thế nào thì cùng với những tiện ích của nó, những tác động ngược trở lại vẫn đang là bài toán nan giải đối với các nhà quản lý, và cũng là thách thức với đời sống thường nhật của mỗi người dân.

Ngọc Lý