Từ sau 2030 sẽ bắt buộc thực hiện "cảng biển xanh"

Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 08/12/2020

(TN&MT) - Theo lộ trình của Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam đã được tổ chức xây dựng (tháng 01/2019), từ sau 2030 sẽ bắt buộc triển khai thực hiện “cảng biển xanh”.

Từ sau năm 2030, các cảng biển bắt buộc phải "xanh hóa". Ảnh tư liệu

Trước mắt, giai đoạn 2025 - 2030, Cục Hàng hải sẽ phối hợp nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh, triển khai áp dụng và đánh giá kết quả áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển Việt Nam; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, các bon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển… Từ sau năm 2030, việc áp dụng tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam sẽ triển khai áp dụng bắt buộc.

Theo bà Trần Thị Tú Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải VN), để Đề án Phát triển cảng xanh đạt được hiệu quả, giai đoạn 2020 - 2025, một số nhiệm vụ chính sẽ được tập trung thực hiện. Trong đó, ưu tiên thực hiện thí điểm mô hình cảng xanh tại một số cảng biển Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, quy hoạch, đầu tư, xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí cảng xanh; Đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN thực hiện tiến trình phát triển cảnh xanh tại Việt Nam,…

Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính, gồm: Nhận thức về cảng xanh, Sử dụng tài nguyên, Quản lý chất lượng môi trường, sử dụng năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo ước tính của Cục Hàng Hải Việt Nam, những dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách và hàng hóa tại cảng biển đang vận chuyển khoảng 20% ​​lượng chất thải trên toàn cầu đổ ra biển. Cảng càng bận rộn, nguy cơ ô nhiễm ở các cảng đó càng cao, tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Những vấn đề môi trường đang đặt ra trong khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế.

Mục tiêu của việc xây dựng các cảng biển xanh nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu”.

Nghiên cứu cho thấy, vận tải biển chiếm 3 - 4% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 6% vào năm 2020 và 17% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050 nếu không được kiểm soát. Trong đó, châu Á và châu Phi dự báo sẽ có mức tăng phát thải mạnh nhất do lưu lượng cảng tăng trưởng mạnh và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế.

Đặc biệt, theo thông tin được công bố trên Diễn đàn Giao thông Quốc tế, lượng phát thải từ tàu biển làm phát sinh gần 12 tỷ Euro mỗi năm tại 50 cảng lớn nhất. Khoảng 230 triệu người trực tiếp tiếp xúc với khí thải tại 100 cảng hàng đầu thế giới về lượng khí thải vận chuyển (CH4, CO, CO2 và Nox). Vì vậy, việc xây dựng, “xanh hóa” cảng biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giúp giảm khí phát thải tại khu vực cảng biển, tăng hiệu quả kinh tế khai thác kinh tế cảng và bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Tân Cảng Cát Lái là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Để đạt được tiêu chí, Cảng đã tập trung vào các tiêu chí như: Tiết kiệm nguồn tài nguyên; Chất lượng môi trường cảng; Sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, thông qua việc hay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện…

Minh Tuấn