Vụ dân chạy lũ giữa mùa khô: Kiểm tra, quá trình xả lũ của thuỷ điện 

Trong nước - Ngày đăng : 10:47, 06/12/2020

(TN&MT) - Trước hiện tượng nước lũ dâng cao bất thường ở sông Krông Ana (Đắk Lắk) và sông Krông Nô (Đắk Nông) gây ngập úng cục bộ nhiều khu vực của hai tỉnh, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Lãnh đạo hai tỉnh (Đắk Nông và Đắk Lắk) đang giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá lại quá trình xã lũ từ phía thuỷ điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp, Sêrêpôk 3).

Khu vực hạ du sông Krông Ana (Đắk Lắk) bị ngập sâu (ảnh chụp ngày 3/12)

Cần nhanh chóng hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Sáng 5-12, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc khắc phục các thiệt hại do mưa lũ tại huyện Cư Jút. Khu vực dọc sông Sêrêpốk đoạn qua huyện Cư Jút cách thuỷ điện Buôn Kuốp 10km, nhưng với lượng nước xả lớn 1.500m3/s, 25 lồng bè của người dân bị thiệt hại hoàn toàn. Theo ông Yên, qua kiểm tra, ghi nhận ban đầu, toàn tỉnh Đắk Nông thiệt hại 185 lồng nuôi cá, ước tính trên 60 tỉ đồng và 90ha hoa màu. Riêng tại thị trấn Eatling và huyện Krông Nô, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng. 

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao đổi với đại diện huyện Cư Jút về tình hình ngập lụt tại đây

Trước những thiệt hại lớn của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, yêu cầu huyện Cư Jút, huyện Krông Nô rà soát, sử dụng ngân sách địa phương kịp thời hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất. Địa phương cần phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và cùng với người dân triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trong thời gian tới. 

Ngoài ra, ông Yên cũng yêu cầu các ngành Giao thông - vận tải, Nông nghiệp, Y tế… cần nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho người dân, an toàn cho các công trình giao thông vận tải, thủy lợi… để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất sau lũ.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Nông đang kiểm tra mực nước ở khu vực bị ngập nặng tại huyện Cư Jút

Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cho biết địa phương đang cho thống kê thiệt hại do mưa lũ gây sạt lở, ngập ở 7 huyện. Qua đó sẽ phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp như di dời dân đến những nơi an toàn. 

Thống kê sơ bộ trong hai ngày (3 -4/12) huyện Krông Ana có trên 84ha cây trồng bị thiệt hại do ngập lụt, 166,93ha ao nuôi cá bị ngập lụt gây thất thoát cá theo dòng nước lũ. 119 lồng bè cá nuôi trên sông thuộc địa phận thị trấn Buôn Trấp bị ảnh hưởng do dòng nước chảy xiết. Trong đó có 5 lồng bè bị mất trắng, 114 lồng bè bị thiệt hại khoảng 65% với khoảng 740 tấn cá.

Mực nước dâng cao bất thường làm hàng chục ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, hiện tại tỉnh đang dồn toàn lực ứng phó với đợt mưa lũ nghiêm trọng và đang tiếp tục theo dõi thời tiết để có những giải pháp kịp thời. Phương châm là phải tập trung cao độ trong phòng chống và đảm bảo an toàn cho người dân. 

Những chỗ nguy hiểm phải có cảnh báo và trường hợp dân không di dời phải kiên quyết để đảm bảo an toàn, tính mạng. Khắc phục ngay những điểm giao thông chia cắt, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ những hộ dân đang bị cô lập, nhà và tài sản bị ngập thiệt hại về kinh tế…

Lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân trong quá trình nước lũ dâng cao bất thường

Kiểm tra, đánh giá lại quy trình xã lũ của thuỷ điện

Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, vùng M’Đrắk và Krông Bông cứ mưa to là ngập cục bộ. Tuy nhiên, năm nay qua nhiều cơn bão, mưa to khiến khu vực này biến thành ‘túi nước’. Toàn bộ lượng nước này sau đó đổ dồn về vùng hạ du theo dòng sông K'rông Ana, Krông Nô thuộc các huyện Lắk, Krông Ana (Đắk Lắk), Krông Nô, Cư Jut (Đắk Nông) gây ngập diện rộng.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ cử Sở Công thương làm việc với thủy điện Buôn Kuốp về việc xả lũ đúng quy trình hay chưa. Còn gì bất cập thì phải xử lý, nếu sai phải chịu trách nhiệm hỗ trợ khắc phục thiệt hại". Ông Dương nói thêm.

Ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp chia sẻ với phóng viên về quy trình xã lũ của đơn vị

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, cho biết: Ngày 29 và 30/11/2020, mưa xuất hiện trên toàn lưu vực hồ chứa Buôn Kuốp. Tại khu vực thượng nguồn nhánh sông Krông Ana xuất hiện mưa to đến rất to, khiến nước sông dâng cao.

Vào 4 giờ sáng ngày 30/11/2020, Nhà máy bắt đầu xả nước qua tràn ra sông Sêrêpốk với lưu lượng 36m3/giây. Nước từ thượng nguồn sông Krông Ana về hồ Buôn Kuốp tăng nhanh, nên lượng nước xả qua tràn cũng tăng nhanh theo. Đến 4 giờ sáng ngày 3/12/2020, lưu lượng nước xả qua tràn ra sông Sêrêpốk đạt 757m3/giây.

Thủy điện Buôn Kuốp tiến hành xả qua tràn với lưu lượng 1.041 - 1.112 m3/s. (Ảnh Báo Đắk Lắk chụp ngày 3-12)

Cũng theo ông Khánh, trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, đơn vị đã thông báo để địa phương chủ động tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống ngập lụt. Tuy nhiên, không biết do người dân chủ quan hay vì nguyên nhân gì mà họ không có biện pháp bảo đảm an toàn tài sản của mình.

Khu vực người dân nuôi cá lồng nằm cách hồ thuỷ điện Buôn Kuốp khoảng 4 - 5km. Cách đó gần 1km, có một trạm cảnh báo của công ty. Trạm này có 1 cột cao, trên đó treo 3 loa, có chức năng cảnh báo lũ cho người dân sinh sống, canh tác ở ven sông. Đây là 1 trong số 21 trạm cảnh báo do công ty lắp đặt trên sông Sêrêpốk. 

"Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, nhưng xảy ra sự việc là rất đáng tiếc. Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ do các đơn vị liên quan làm rõ. Chúng tôi thấy, những thiệt hại của người dân là rất lớn. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để chia sẻ, hỗ trợ nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân". Ông Khánh khẳng định.

Phạm Hoài