Bàn giải pháp đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

Đất đai - Ngày đăng : 16:14, 04/12/2020

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị Văn phòng đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai năm 2020 do Bộ TN&MT tổ chức vào ngày 3 - 4/12, tại Quảng Bình, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và giới thiệu về phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai. Ông Mai Văn Phấn và ông Chu An Trường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì Hội nghị.

Hội nghị còn có đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo hơn 40 Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Đại diện Văn phòng Bộ TN&MT, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu TN&MT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai.

Báo cáo về thực trạng và giải pháp đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, trong thời gian vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng, kinh phí... nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai và UBND các tỉnh, thành phố cùng với sự nỗ lực của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai trên phạm vi cả nước.

Đến nay trên địa bàn cả nước đang có 3 mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu đang vận hành bao gồm: Mô hình tập trung cấp tỉnh, mô hình bán tập trung cấp tỉnh và mô hình phân tán cấp huyện. 100% các đơn vị cấp huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau. Trong đó có 192/707đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 49 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồ ng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Quang cảnh Hội nghị

Đặc biệt, có 6 tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành xây dựng việc CSDL địa chính và đưa vào vận hành, khai thác theo mô hình tập trung cấp tỉnh gồm: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre.

Để đảm bảo mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước, Bộ TN&MT định hướng trong thời gian tới tiếp tục đẩy nhanh triển khai CSDL đất đai quốc gia trên cơ sở tích hợp CSDL đất đai cấp tỉnh và CSDL đất đai cấp trung ương đảm bảo đưa hệ thống vào vận hành trước 7/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, hoàn thiện phần mềm quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai ở trung ương và các địa phương, kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển công nghệ, nghiên cứu bổ sung công nghệ mới như chuỗi, khối (Block chain) trong giao dịch điện tử lĩnh vực đất đai; ứng dụng chuẩn giao tiếp mở giữa các cổng thông tin, thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL quản lý đất đai theo công nghệ tiên tiến thế giới; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big data) trong thu thập, phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý. Đồng thời, nghiên cứu cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng phục vụ người dân.

Mục tiêu Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2019 –2020 và tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 –2025 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ là một nhiệm vụ nặng nề đối với toàn ngành. Ông Tuấn đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục báo cáo, tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đầu tư nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và đô thị thông minh trong thời gian tới.

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vướng mắc khi triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó, tập trung vào việc UBND các tỉnh thành phố không bố trí 10% nguồn thu từ đất để đầu tư cho công tác này. Đại diện Sở TN&MT Ninh Thuận mong muốn Bộ TN&MT yêu cầu các UBND bố trí đủ 10% nguồn thu từ đất để thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu. Các đại biểu cũng nhất trí với việc thống nhất mô hình cơ sở dữ liệu đất đai là mô hình tập trung, có quá độ theo đề xuất của Bộ TN&MT.

Trường Giang