Quảng Ngãi: Hiệu quả của đội phòng chống thiên tai cơ sở
Xã hội - Ngày đăng : 16:11, 04/12/2020
Sau bão Molave, chính quyền và người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang nỗ lực khắc phục các thiệt hại và ổn định cuộc sống. Bà Ngô Thị Hạnh ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà chưa gặp cơn bão nào to như bão Molave, đổ bộ vào Quảng Ngãi những ngày cuối tháng 10/2020. Chỉ trong vài giờ, bão làm cây cối gãy đổ, nhà cửa bị sập, hoa màu thiệt hại, may là không có thiệt hại về người.
Bà Hạnh kể, trước khi bão đổ bộ, loa của xã tuyên truyền của xã vận động người dân đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Cán bộ xã xuống từng nhà dân để hỗ trợ chèn chống nhà cửa và sơ tán bà con đến nơi an toàn. “Bão hồi đó mạnh lắm, nằm trong khu sơ tán mà cứ nghe gió rít từng hồi, tôn bay rào rào, khi bão tan trở về nhà tan hoang lắm, nhưng may không có thiệt hại về người”- bà Hạnh kể.
Lực lượng xung kích hỗ trợ người gia, trẻ em sơ tán trước khi bão đổ bộ bằng các phương tiện cơ động nhất |
Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, mùa mưa bão năm nay đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân Bình Thuận. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, và lực lượng xung kích tại chỗ như dân quân tự vệ, công an, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh….đã chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân.
Theo ông Vương, trước khi bão vào, toàn bộ lực lượng xung kích và cán bộ địa phương được huy động để sơ tán dân và bố trí 14 điểm sơ tán tại các cơ quan, đơn vị vững chắc. Một số bà con vẫn chủ quan vì trước đó có những cơn bão được dự báo mạnh nhưng khi sơ tán về thì lại thấy an toàn. Nhưng khi được thông báo về cơn bão Molave, địa phương kiên quyết vận động người dân sơ tán, kể cả dùng biện pháp cưỡng chế. Đối với người già, neo đơn, địa phương đều bố trí lực lượng y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong thời gian tránh bão.
“Tất cả cán bộ địa phương đều phải ra trận như một chiến sĩ, chúng tôi chấp nhận là mình bị thương chứ không để người dân bị thương. Tất cả các lực lượng xung kích, cán bộ đều được huy động đến từng ngõ ngách để hỗ trợ người già, trẻ em di dời bằng các phương tiện cơ động. Cho đến đến khi bão tan thì lực lượng này hỗ trợ dọn dẹp, phát quang cây cối. Vất vả nhưng mà rất vui vì sự an toàn của bà con”- Phó Chủ tịchUBND xã Bình Thuận cho hay,
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận – Ngô Văn Vương cũng cho biết cho biết, khi xây dựng phương án phòng chống thiên tai, thay vì cứng nhắc và rập khuôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai xã đã xây dựng các kịch bản dự lường tình huống tương ứng với điều kiện của địa phương. Đồng thời phổ biến phương án phòng chống thiên tai để người dân biết và nắm rõ các nội dung để nâng cao ý thức và trách nhiệm, tích cực hợp tác khi xảy ra bão lũ.
Ông Vương cũng cho biết, ngoài việc tuyên truyền kiến thức, tổ chức diễn tập thì kết quả trên có được là nhờ chính quyền địa phương tích cực phổ biến phương án phòng chống thiên tai đến tận người dân. Qua đó, người dân biết và nắm rõ các địa điểm, vị trí xung yếu cũng như các địa chỉ an toàn để chủ động di dời người, tài sản khi xảy ra sự cố.
Người dân được vận động sơ tán, di dời đến nơi an toàn trong bão Molave |
Trong công tác phòng, chống thiên tai, lực lượng tại chỗ, trong đó đội xung kích ở cấp xã giữ vai trò nòng cốt để chủ động ứng phó với mọi tình huống ngay từ giờ đầu. Do đó, ngay trước mỗi mùa mưa bão, UBND tỉnh Quảng Ngãi đều có công văn gửi các địa phương yêu cầu củng cố, xây dựng Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tổ chức diễn tập, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương. Từ đó các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng việc xây dựng lực lượng xung kích tại cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.