Đà Nẵng: Thêm nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững
Môi trường - Ngày đăng : 16:08, 04/12/2020
Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng” được Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ cho TP. Đà Nẵng có kinh phí gần 600 ngàn EURO (tương đương 15 tỷ đồng).
Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên tại Đà Nẵng và một số tỉnh tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Dự kiến, dự án sẽ kéo dài 42 tháng, từ tháng 7/2020 -12/2023. Trung tâm GreenViet và tổ chức GSI là đơn thị thực hiện dự án.
Đà Nẵng là địa phương có nguồn tài nhiên thiên nhiên và đa dạng sinh học phong phú |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật TP. Đà Nẵng cho biết, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường là những lĩnh vực vô cùng quan trọng, tác động, gắn kết với sự phát triển – kinh tế xã hội của thành phố. Trong những năm qua, bảo vệ môi trường luôn được lãnh đạo thành phố, các đơn vị quan tâm, chú trọng, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, nhờ sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế, xã hội, sự đồng hành của các doanh nghiệp giúp Đà Nẵng luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dân số gia tăng… thì bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là những thách thức với tất cả chúng ta.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương. Do vậy, sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, tổ chức GSI cùng đồng hành với Green Việt cùng với sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng… địa phương tin tưởng rằng sau 3 năm triển khai dự án sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực.
Bảo vệ thành công quần thể Vọoc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của gói tài trợ. |
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Jesus Lavina, Phó Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tin tưởng với dự án này, các tổ chức xã hội sẽ có thêm động lực cũng như hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án thiết thực nhằm hỗ trợ địa phương giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững của thành phố Đà Nẵng nói chung và Sơn Trà nói riêng. Từ đó, đưa Đà Nẵng trở thành mô hình phát triển bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học kiểu mẫu ở Việt Nam.
“Sự kiện được tổ chức vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn ra, và đại dịch này một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc sống hài hòa với thiên nhiên. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dự án này sẽ mang lại những kết quả cụ thể về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hoạt động hiệu quả của quỹ”.- ông Jesus Lavina nói
Được biết, nội dung chính của gói tài trợ gồm có Thành lập nguồn quỹ tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cho 50 tổ chức, đoàn thể về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường; tài trợ cho 21 sáng kiến liên quan.
Đặc biệt, dự án sẽ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và thúc đẩy chương 2 trình hợp tác từ phía các doanh nghiệp và các cá nhân để tạo một nguồn tài chính bền vững cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững trong khu vực.
Ngoài ra, các hoạt động tuần tra, giám sát, truyền thông giáo dục nhằm bảo vệ thành công quần thể Vọoc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà cũng là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của gói tài trợ này.
Hội thảo khởi động dự án |
Bà Bùi Thị Minh Châu, đại diện tổ chức Gustav-Stresemann-Institut (GSI, CHLB Đức), đồng tài trợ và đồng thực hiện dự án khẳng định, dự án này đóng góp một sáng kiến độc đáo cho thành phố. Đó là nghiên cứu và xây dựng các cơ chế khả thi để doanh nghiệp, cộng đồng và du khách trong ngoài nước tham gia đóng góp cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.
“Sáng kiến này không chỉ giúp cho các tổ chức xã hội về bảo tồn có thêm nguồn tài chính đa dạng từ doanh nghiệp và cộng đồng, mà còn đề xuất một hướng đi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, các cá nhân và du khách được trực tiếp đóng góp bảo vệ môi trường theo cách bền vững hơn.” – bà Bùi Thị Minh Châu chia sẻ.