Khai mạc Hội nghị Văn phòng đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai năm 2020
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:31, 04/12/2020
Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới; đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành và các Văn phòng, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Về phía Bộ TN&MT có Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Chu An Trường; lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai…
Hai năm giải quyết hơn 7,7 triệu hồ sơ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính (thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 05 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định).
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Bên cạnh đó, các văn phòng đăng ký đất đai chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai. Chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, toàn hệ thống văn phòng đăng ký đất đai đã giải quyết hơn 7,7 triệu hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo khảo sát của PAPI công bố ngày 28/4/2020, tỷ lệ người dân phản ánh phải "bôi trơn" khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016, tỷ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp GCN đạt 80,72%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tới đây, nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, làm nền tảng vững chắc cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử đáp ứng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quang cảnh Hội nghị |
Ba vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị
Thứ trưởng đề nghị tại Hội nghị này các đại biểu tập trung thảo luận vào 3 vấn đề: Thứ nhất, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai từ khi thành lập đến nay. Cụ thể, tồn tại, hạn chế về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, trụ sở làm việc, kho lưu trữ, hệ thống trang thiết bị phục vụ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và cơ chế hoạt động…, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính, tạo nguồn thu ổn định, bảo đảm việc tái đầu tư và phát triển cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và Hệ thống thông tin đất đai, tập trung thảo luận, đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế về cơ chế tài chính, quy định của pháp luật, công nghệ hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, những mô hình, cách làm hay tại một số địa phương… để tiếp tục hoàn thiện giải pháp đảm bảo hoàn thành việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai trong cả nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác. Một số nơi đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, vận hành thống nhất liên thông xã - huyện - tỉnh và đã đưa vào khai thác sử dụng để thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và cung cấp thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay mới hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hơn 190 huyện (chiếm khoảng 27% số huyện cả nước).
Thứ ba, về thực hiện liên thông thuế và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề cốt yếu để đẩy mạnh việc liên thông thuế và thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ và cổng dịch vụ công của tỉnh.
Hiện nay một số địa phương đã thực hiện việc chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai với ngành thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Việc xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân thông qua hệ thống đã giảm số ngày giải quyết hồ sơ từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.
Các ý kiến thảo luận của các đại biểu sẽ giúp tìm ra giải pháp trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời là cơ sở cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, kiến tạo thêm động lực cho phát triển và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng.