Việt Nam - Phần Lan thúc đẩy hợp tác chiến lược về tài nguyên và môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 21:02, 03/12/2020
Tham dự cuộc họp, về phía đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của ông Kari Kahiluoto; đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Phần Lan Krista Mikkonen cho biết, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên bà không thể đến Việt Nam công tác vào năm 2020, do đó, bà mong muốn thời gian tới, sẽ lên hế hoạch công tác tại Việt Nam để phối hợp cùng với Bộ trưởng Trần Hồng Hà tổ chức các hoạt động hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực cùng quan tâm như: kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu thiên tai, xử lý rác thải đô thị và biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng cùng nhau thảo luận về các nội dung Về kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ của Phần Lan cho Việt Nam; Công cụ hỗ trợ đầu tư công (PIF) – Hiệp định khung song phương; Giảm thiểu thiên tai khí hâu tại Việt Nam; Khôi phục tự nhiên và Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Rác thải đô thị và xử lý rác thành năng lượng – Các giải pháp của Phần Lan; Sáng kiến của các Bộ trưởng Bắc Âu về giảm ô nhiễm nhựa…
Qua trao đổi, Bộ trưởng Krista Mikkonen cho biết, hiện nay, bà đang chủ trì Chương trình chiến lược về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế tuần hoàn vào năm 2035 với mục tiêu đưa Phần Lan trở thành quốc gia đi đầu về kinh tế tuần hoàn. Bà cho biết, sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tham gia.
“Covid hiện nay ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chấn chỉnh lại hành tinh này và kinh tế tuần hoàn là công cụ hữu ích để xây dựng và phát triển môi trường trên toàn cầu sạch hơn, hữu ích hơn” - Bộ trưởng Krista Mikkonen khẳng định.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Phần Lan Krista Mikkonen |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn vừa được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để đề xuất cơ chế, chính sách cũng như các quy định về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Với những kinh nghiệm của Phần Lan trong lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, các cơ chế hợp tác đối tác công tư (PPP), các công cụ tài chính mới để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển với sự tham gia của toàn xã hội sẽ là những bài học quý cho Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, trong thời gian tới, 2 Bộ có thể ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực phát triển kinh tế tuần hoàn.
Về nội dung Công cụ hỗ trợ đầu tư công (PIF) – Hiệp định khung song phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, chương trình sẽ góp phần thúc đẩy hỗ trợ và đầu tư của Phần Lan dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên và trong thời gian tới sẽ sớm triển khai chương trình.
Về giảm thiểu thiên tai do biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn, phía Phần Lan tiếp tục hỗ trợ về trang thiết bị phục vụ quan trắc và dự báo, cảnh báo thiên tai; Ứng dụng và chuyển giao công nghệ khí tượng thủy văn; Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nhất là trong tiếp cận những công nghệ mới.
Vui mừng chia sẻ với Bộ trưởng Krista Mikkonen, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cũng thể chế hóa việc phát triển thị trường các-bon, do đó, Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển thị trường này trong nước.
Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc giới thiệu các giải pháp của Phần Lan về xử lý rác thải đô thị cũng như xử lý rác thải thành năng lượng. Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm và tiếp thu các giải pháp hiệu quả của Phần Lan trong việc cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) về phân loại rác thải, tái chế, tái sử dụng, kéo dài vòng tuần hoàn vật liệu trong chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn để đạt mục tiêu về giảm thiểu chất thải, tăng cường bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về sáng kiến của các Bộ trưởng Bắc Âu về giảm ô nhiễm nhựa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã phát động trong toàn xã hội phong trào giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện môi trường. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có những định hướng trong phát triển kinh tế sẽ phải thay thế được nền kinh tế nhựa, điều này rất cần sự vào cuộc của nền khoa học công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để tái cấu trúc lại nền kinh tế.
Về một Thỏa thuận về rác thải nhựa đại dương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam là ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng Thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Bộ trưởng Krista Mikkonen cho biết, với sự quyết tâm của Chính phủ, tin tưởng rằng phía Việt Nam sẽ đạt được những kết quả thành công. Đối với những lĩnh vực chung của hai Bộ, Bộ trưởng Krista Mikkonen mong muốn, sẽ có thêm những cuộc họp cấp cao để trao đổi thêm nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm và có tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.
Bộ trưởng Krista Mikkonen cũng hy vọng, dịch bệnh Covid-19 sớm được đẩy lùi. Bộ trưởng Krista Mikkonen cùng Đoàn công tác của Bộ Môi trường Phần Lan có thể sớm sang thăm và làm việc tại Việt Nam trong năm 2021.