Đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của vùng

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 10:28, 03/12/2020

(TN&MT) - Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra, Bộ KH&ĐT đã công bố danh mục các dự án thuộc Chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng do các địa phương đề xuất.

Đối với 13 dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn DPO, các địa phương có biển từ tỉnh Bến Tre đến tỉnh Kiên Giang đều lựa chọn đầu tư tuyến đường ven biển. Đây là tuyến giao thông quan trọng mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phát triển kinh tế biển theo chiến lược biển Việt Nam. Đây cũng là điểm thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản và củng cố an ninh. Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển có thể kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống cống ven biển để sắp xếp lại dân cư, giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Các địa phương chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng liên vùng. Ảnh: MH

Các địa phương không có biển đã lựa chọn mỗi địa phương 1 dự án giao thông, thủy lợi liên kết vùng, các dự án hồ chứa cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Tổng mức đầu tư các dự án DPO là gần 40.900 tỷ đồng, đề xuất ngân sách trung ương bố trí từ nguồn vốn DPO là hơn 31.300 tỷ đồng dành cho xây lắp. Các chi phí khác như giải phóng mặt bằng, dự phòng, tư vấn… do địa phương cân đối.

Tương tự, với 13 dự án liên kết vùng, hầu hết các dự án hạ tầng có tác động quy mô lớn như giao thông kết nối quốc lộ, cao tốc cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, các dự án thủy lợi … Tổng mức đầu tư các dự án này là hơn 26.700 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí đề xuất là hơn 19.900 tỷ đồng; trong đó dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ là 16.250 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách thực hiện các dự án liên kết vùng dự kiến sẽ được cân đối trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Về Chương trình DPO, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương xây dựng khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, quy mô 1,05 tỷ USD, tương đương khoảng 24.600 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư là rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương lựa chọn thật sự các tuyến ưu tiên để đầu tư, trong trường hợp cần thiết đề nghị mở rộng khoản vay để có thêm nguồn lực hỗ trợ các dự án đặc biệt cần thiết của các địa phương. Việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường.

Về tính kết nối, cần có sự thống nhất của các địa phương trên toàn vùng về hướng tuyến, đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Do danh mục các dự án liên vùng cần thông qua ý kiến của Hội đồng vùng, vì vậy các địa phương cần có cơ chế phối hợp để thống nhất trước khi trình Hội đồng vùng thông qua.

Trung Nguyên