TP.HCM: Năm 2025, 80% hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 10:27, 03/12/2020

(TN&MT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Kế hoạch triển khai đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn (CTR) TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

80% hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Theo Kế hoạch đề ra, TP.HCM phấn đấu 60% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn vào năm 2023, tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 80% vào năm 2025. 100% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu hồi, tái chế làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Bên cạnh đó, 100% CTR công nghiệp nguy hại và không hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế. 100% số khu xử lý CTR đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh,…

Đồng thời, 60% bùn bể phốt (bùn hầm cầu), bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh tử các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường vào năm 2023; tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 100% vào năm 2025.

Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2021, đóng cửa 9 trạm trung chuyển hiện hữu không còn nằm trong quy hoạch. Hàng năm, thực hiện đầu tư mở rộng, nâng cấp các trạm trung chuyển hiện hữu đảm bảo yêu cầu về môi trường và đầu tư mới các trạm trung chuyển theo quy hoạch.

Người dân TP.HCM tham gia hoạt động thu gom rác thải tại khu vực công cộng

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Để hoàn thành Kế hoạch triển khai đồ án quy hoạch xử lý CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó, TP.HCM sẽ hoàn thiện chính sách, quy định liên quan công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, như: cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng, ban hành mới các chính sách, quy định quản lý, xử lý chất CTR trên địa bàn; nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động tái chế CTR; ban hành chính sách, quy định để triển khai thực hiện quy định pháp luật về quản lý CTR của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và hướng dẫn của cơ quan Ban, ngành cấp Trung ương.

TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, trung chuyển với các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được duyệt. Trong đó, TP.HCM triển khai phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm chính (nhóm có thể tái chế và nhóm còn lại) để phù hợp với định hướng xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến đốt phát điện và hạn chế chôn lấp. TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập; hoàn thiện việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTR tại nguồn.

TP.HCM cũng tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự và nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, trung chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn từ Sở, ban, ngành của thành phố đến UBND quận, huyện và UBND phường, xã, thị trấn; xây dựng mô hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn phù hợp trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn bằng các giải pháp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý CTR; xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành Dự án xử lý CTR sau khi xây dựng xong đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững của Dự án xử lý chất thải.

Đồng thời, TP.HCM sẽ nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng. Cụ thể, đẩy mạnh việc tuyên truyền, đào tạo và tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn, hoạt động giảm thiểu phát sinh các chất thải rắn; quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao nhận thức từng người dân ở mọi đổ tuổi, các hộ gia đình, các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, có ý thức giảm dần lượng và chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường. Hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến từng người dân về việc phân loại các thành phần CTR sinh hoạt.

Ngoài ra, định kỳ thực hiện điều tra, khảo sát cập nhật số liệu CTR; xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xử lý CTR. Đồng thời, TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với tỉnh Long An thực hiện điều phối, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu thanh toán khối lượng CTR của TP.HCM vận chuyển, xử lý tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) theo quy hoạch được duyệt.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư thực hiện xử lý CTR của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 28.911 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn: vốn ngân sách Nhà nước; vốn ODA, tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư; vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước; vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác...

Nguyễn Quỳnh