Đồng Nai: Chủ động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:27, 03/12/2020

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Mới đây, Sở TN&MT Đồng Nai đã hoàn thành lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Để hiểu rõ hơn về những công việc đặc biệt quan trọng này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai

PV: Xin ông chia sẻ một số kết quả quan trọng, nổi bật mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Ngọc Hưng:

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT đã tập trung công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2100 ngày 6/8/2012 về việc phê duyệt “Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020”. Qua đó, tỉnh Đồng Nai đã xác định được các nguồn nước dưới đất và nước mặt trên địa bàn tỉnh được phân bổ và bảo vệ một cách hợp lý theo từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đề xuất các giải pháp nhằm phòng, chống và khắc phục những tác hại do nước gây ra.

Đối với công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất, năm 2017, Sở TN&MT Đồng Nai đã tham mưu hoàn thành Dự án “Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Dự án đã vẽ ra bức tranh về tài nguyên nước dưới đất bằng việc chồng ghép trên nền bản đồ địa chính của tỉnh Đồng Nai về các tầng chứa nước ứng với từng khu vực trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thể hiện các khu vực và tầng chứa nước còn khả năng khai thác hoặc đã vượt quá tiềm năng khai thác nhằm hạn chế việc khai thác, đảm bảo tính bền vững của nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành các Quyết định xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nưới dưới đất tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là cơ sở, định hướng cho việc thẩm định tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác nước dưới đất nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý về tài nguyên nước và dự trữ nguồn tài nguyên nước dưới đất, góp phần chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đây còn là cơ sở để thực hiện cho công tác quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với đặc điểm của các nguồn nước tại địa phương.

Đối với công tác quản lý về tài nguyên nước mặt trong kỳ quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn vừa qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các giải pháp bảo vệ và phân bổ nguồn tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trong đó, Đồng Nai tập trung vào cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, ưu tiên sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng của vùng, khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với bảo vệ môi trường.

Tỉnh Đồng Nai còn tăng cường năng lực, thiết bị, công nghệ cho công tác quan trắc nguồn tài nguyên nước mặt; xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các tiểu vùng và các sông, suối chính và các tổ chức khai thác, sử dụng nước, xả nước thải lớn như: các hồ thủy điện, thủy lợi, các khu công nghiệp, khu đô thị… nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong bảo vệ tài nguyên nước; đồng thời, có giải pháp bảo vệ các nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt; xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động quan trắc chất lượng nước sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

PV: Việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước sẽ đóng góp quan trọng trong công tác quản lý về tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Hưng:

Tỉnh Đồng Nai có một hệ thống sông ngòi, thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nên rất phong phú và chiếm gần đại bộ phận miền Đông Nam bộ. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có một vị trí rất quan trọng về tài nguyên nước, nguồn điện năng và giao thông thủy. Dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai là nơi tập trung hầu hết những khu đô thị lớn và hàng chục thị xã, thị trấn, khu dân cư đông đúc, các công trình xây dựng, kiến trúc, giao thông thủy và bộ như cầu đường, bến phà và các công trình thủy lợi, các hồ chứa ở thượng nguồn, các nhà máy cung cấp nước...

Ngày 6/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Trong đó, có quy định các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Chính vì vậy, việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất cần thiết, góp phần quan trọng về bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả Dự án này sẽ ban hành được danh mục nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Một định hướng quan trọng của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, đó là tỉnh sẽ đẩy mạnh và ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước cấp được lấy từ nguồn nước mặt, hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nước dưới đất nhằm làm giảm sự suy giảm mực nước và dự trữ nguồn nước dưới đất để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Sở TN&MT Đồng Nai còn tiến hành thu mẫu tại 115 giếng khoan quan trắc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tổng hợp số liệu của 19 giếng quan trắc của quốc gia làm nguồn số liệu hằng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về diễn biến tình hình nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn.

Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cũng đã ký kết Quy chế phối hợp trong việc chia sẻ nguồn nước, quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên giữa các địa phương lân cận tỉnh Đồng Nai, như: TP.HCM, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai còn đẩy mạnh công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt nhằm thay thế nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh vai trò của tỉnh Đồng Nai trong Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai với vai trò là Chủ tịch Ủy ban này trong giai đoạn 2016 - 2018.

Hàng năm, Sở TN&MT cũng đều có báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về kết quả chất lượng nguồn nước sông, suối thuộc 12 tiểu lưu vực trên địa bàn tỉnh; công bố vùng bảo hộ vệ sinh cho các nhà máy cấp nước và các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT và trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy trình vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo thẩm quyền. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai còn chỉ đạo tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy và tính toàn vẹn của các dòng sông; bảo tồn nghiêm vùng dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

PV: Xin ông cho biết một số giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Hưng:

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức triển khai thực hiện, Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bải vệ tài nguyên nước.

Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ tăng cường hơn nữa công tác cấp phép và giám sát hoạt động quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, trong đó có nội dung Quy hoạch Tài nguyên nước có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức thực hiện sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Để triển khai thực hiện theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chình phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ xác định vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất nhằm đảm bảo việc quản lý tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Sau khi Dự án “Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, Sở TN&MT sẽ khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo để cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên thực địa.

Sở TN&MT Đồng Nai cũng sẽ tổ chức kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở sẽ tập trung hoàn chỉnh việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh cho tất cả các nhà máy cấp nước và các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, Sở TN&MT Đồng Nai cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau khi Kế hoạch này được phê duyệt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tú (thực hiện)