Chống rác thải nhựa: Từ “kêu gọi” đến cụ thể hóa về pháp luật

Môi trường - Ngày đăng : 10:27, 03/12/2020

(TN&MT) - Nếu như năm 2019, phong trào chống rác thải nhựa nâng cao nhận thức cộng đồng thì đến năm 2020, khi Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, việc chống rác thải nhựa đã được chỉ đạo nâng cao từ góc độ chính sách pháp luật, cho đến các hành động cụ thể, quyết liệt, rõ ràng.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT

PV: Cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào Chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của phong trào này?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Có thể nói, phong trào Chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2019 là một phong trào rất thành công, khi đã lan tỏa đến toàn xã hội, cộng đồng, tạo hiệu ứng tích cực, tạo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương có những hành động thiết thực về bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải nhựa. Phong trào này cũng thể hiện cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đối với vấn đề khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Qua hơn 1 năm, nhận thức của xã hội, cộng đồng đã được nâng lên đáng kể.

Hưởng ứng phong trào này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các Kế hoạch và triển khai hành động cụ thể. Có thể thấy, trong các cuộc họp của cơ quan Nhà nước, không thấy bóng dáng của đồ nhựa trên bàn họp. Nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân cũng có những các hoạt động thiết thực. Về phía Bộ TN&MT, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có các ý tưởng, các dự án về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm thiểu chất thải nhựa.

PV: Theo ông, sau khi thực hiện phong trào này, ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường có ý nghĩa như thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Chỉ thị số 33 một lần nữa khẳng định cam kết của người đứng đầu Chính phủ đối với vấn đề giảm thiểu phát thải chất thải nhựa. Nếu như năm 2019, phong trào chống rác thải nhựa là một phong trào truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân vào cuộc cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, thì Chỉ thị này của Thủ tướng có phạm vi rộng hơn, chỉ đạo toàn diện hơn. Ở đây, việc chống rác thải nhựa không chỉ ở việc truyền thông nâng cao nhận thức mà đã được chỉ đạo ở góc độ chính sách pháp luật cho đến các hành động cụ thể để chống rác thải nhựa.

Trong Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rất rõ. Trước đây, khi phát động phong trào, Thủ tướng chỉ nêu những vấn đề lớn, khái quát; đến Chỉ thị này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương phải ban hành các Chỉ thị, các kế hoạch để triển khai Chỉ thị này.

PV: Vậy đâu là những điểm cần lưu ý khi triển khai Chỉ thị số 33 của Thủ tướng, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Tôi cho rằng, có 2 điểm quan trọng cần lưu ý trong Chỉ thị này. Thứ nhất là các chỉ đạo về hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến rác thải nhựa. Thứ hai là vấn đề nêu gương, gương mẫu của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Về hoàn thiện chính sách, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chế định về quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với quan điểm coi chất thải là tài nguyên, bao gồm chất thải nhựa. Trong chế định về quản lý chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã thể hiện rõ quan điểm này của Thủ tướng. Theo đó, trong Luật này quy định rõ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Nhà sản xuất khi sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nhựa, bao bì thì phải có trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đưa ra các sản phẩm tái chế, nhưng chưa đưa ra những quy định kỹ thuật về an toàn môi trường. Trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định khác có liên quan đến thúc đẩy tái chế, hướng đến các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường. Về mua sắm xanh, các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên mua sắm từ nguồn ngân sách của Nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo rà soát Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đối với phế liệu nhựa, phải coi trọng chất lượng phế liệu nhập khẩu, không cho phép nhập khẩu loại phế liệu không có giá trị tái chế hoặc giá trị tái chế không cao, đặc biệt là không cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa đã sử dụng một lần.

Điểm nổi bật thứ hai của Chỉ thị là vấn đề nêu gương, đó là sự gương mẫu, tiên phong của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức sự nghiệp công lập đi đầu trong giảm thiểu chất thải nhựa. Trong Chỉ thị lần này, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan Nhà nước phải nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong các cuộc họp, hội thảo… Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan Nhà nước tiên phong trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải bố trí các thùng đựng rác tại nguồn để làm gương, làm mẫu để tiên phong, từ đó lan tỏa ra xã hội.

PV: Một mục tiêu quan trọng đặt ra tại Chỉ thị là tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Theo ông, để đạt được mục tiêu đó, cần những điều kiện nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Để đạt được mục tiêu này, có nhiều giải pháp đồng loạt có thể đưa ra. Đó là hoàn thiện chính sách pháp luật trong việc đưa ra các công cụ về thuế, phí, quy định trách nhiệm của nhà sản xuất để cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng hướng đến mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Bên cạnh đó, cần truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để cả xã hội cùng thay đổi nhận thức, chung tay hành động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, có thể áp dụng các chế tài xử phạt. Chúng ta có thể tính đến vấn đề cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2025. Đây có thể là một lựa chọn mà một số quốc gia đã áp dụng thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐTTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Tống Minh (thực hiện)