Rừng ngập mặn cho tương lai

Xã hội - Ngày đăng : 10:26, 03/12/2020

(TN&MT) - Ba năm trước (2017) tại Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc ước tính có gần 2,4 tỷ người sống trong phạm vi 100 km bờ biển (vào sâu trong đất liền). Trong đó, rừng ngập mặn cung cấp sự bảo vệ quan trọng cho các cộng đồng gặp nguy cơ từ nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Đã có một thời gian dài, những giá trị của rừng ngập mặn ít được quan tâm. Rằng đó chỉ là một loại rừng ở ven biển, giống như rừng trong nội địa. Thế nhưng, thực tiễn lại khác, những hệ sinh thái giàu có này đang là một phần quan trọng hỗ trợ hành tinh và con người theo những cách độc đáo, từ cung cấp nơi sinh sản cho cá đến dự trữ các-bon, chống lũ lụt.

Giá trị hệ sinh thái rừng ngập mặn đang ít được quan tâm 

Dù đã có những nhìn nhận tích cực hơn về giá trị và tầm quan trọng của rừng ngập mặn, những cạnh rừng này vẫn bị đe dọa. Hơn một phần ba rừng ngập mặn đã biến mất, và ở các khu vực như Châu Mỹ, rừng ngập mặn đang bị tàn phá với tốc độ nhanh hơn các khu rừng mưa nhiệt đới.

Phần lớn việc phá rừng là để thu hồi đất cho các dự án nông nghiệp, phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Thế nên, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, ngoài biến đổi khí hậu và ô nhiễm, còn có những mối đe dọa tại địa phương. Các mối đe dọa này bao gồm khai thác quá mức gỗ làm nhiên liệu và xây dựng, đập và tưới tiêu làm giảm dòng nước chảy vào rừng và đánh bắt quá mức làm gián đoạn chuỗi thức ăn và các quần thể cá.

Chúng ta đang phá hủy hệ sinh thái ven biển, thứ giúp duy trì cuộc sống và sinh kế. Đã đến lúc, chúng ta cần có những hành động quyết liệt và thực chất để để bảo tồn rừng ngập mặn.

Trước hết, rừng ngập mặn là hàng rào tự nhiên của vùng ven biển. Hệ thống rễ chắc chắn của cây rừng ngập mặn giúp hình thành một hàng rào tự nhiên chống lại các cơn bão dữ dội và lũ lụt. Trầm tích sông ngòi và đất bị rễ cây giữ lại, giúp bảo vệ các khu vực bờ biển và làm chậm xói mòn. Quá trình lọc này cũng ngăn chặn trầm tích có hại ảnh hưởng đến các rạn san hô và thảm cỏ biển.

Rừng ngập mặn còn là các bể chứa các-bon. Các khu rừng ven biển giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí các-bô-nic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Khi rễ, cành và lá của cây rừng ngập mặn rụng xuống, chúng thường được đất bao phủ, sau đó chìm trong nước thủy triều, làm chậm quá trình phân hủy vật chất và tăng cường lưu giữ các-bon.

Nghiên cứu cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ các-bon. Một cuộc kiểm tra 25 khu rừng ngập mặn trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy mỗi ha, rừng ngập mặn chứa lượng các-bon cao gấp bốn lần so với các khu rừng mưa nhiệt đới khác.

Rừng ngập mặn cung cấp sinh kế. Nhiều người sống trong và xung quanh khu rừng ngập mặn thì sinh kế của họ phụ thuộc vào rừng ngập mặn. Tuy nhiên, ở một số khu vực, gỗ đã được khai thác thương mại để làm bột giấy, dăm gỗ và than, gây ra lo ngại về tính bền vững.

Nhựa cây được người dân địa phương thu lượm vì dược hiệu của chúng, lá của cây rừng ngập mặn thường được sử dụng làm thức ăn gia súc. Nước rừng ngập mặn cung cấp cho ngư dân địa phương nguồn cá, cua và các loại trai sò phong phú để bán kiếm thu nhập.

Rừng ngập mặn khuyến khích du lịch sinh thái và là nơi phong phú đa dạng sinh học. Hiện nay, hoạt động của con người đã gây mất đa dạng sinh học nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái đất liền và đại dương trên toàn cầu, gây nguy hiểm cho nhiều loài thực vật và động vật. Khi rừng ngập mặn bị chặt phá, môi trường sống có giá trị bị mất đi, đe dọa sự sống còn của vô số loài.

Nhưng, đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Mối đe dọa và tác hại chưa thể tính hết bởi các khu rừng ngập mặn cũng là một nguồn tiềm năng của các vật liệu sinh học chưa được khám phá, có thể mang lại lợi ích cho nhân loại, như các hợp chất kháng khuẩn và gen kháng sâu bệnh, cũng bị mất khi các khu vực ven biển bị tàn phá.

Bởi thế, bảo vệ rừng ngập mặn cho tương lai là một mệnh lệnh từ trái tim với mỗi cá nhân, để hành tinh mãi xanh.

Ngọc Lý