Gần 200 ngôi nhà hư hỏng nặng và ngập lụt do mưa lũ

Xã hội - Ngày đăng : 18:24, 02/12/2020

(TN&MT) - Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắk Lắk, mưa lớn diện rộng và lũ từ ngày 29/11 - 1/12, đã làm 8 nhà bị hư hỏng nặng, 180 nhà bị ngập lụt, 746 ha lúa bị thiệt hại, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập sâu…

Mưa mưa lũ đã làm 4 người chết do lũ cuốn (Khánh Hòa: 3 người; Lâm Đồng: 1 người bị lũ cuốn) và  2 người mất tích do lũ cuốn ở Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Mưa lũ cũng làm cho 8 nhà bị hư hỏng nặng (Khánh Hòa: 1; Đắk Lắk: 8), 180 nhà bị ngập lụt (Đắk Lắk); 746 ha lúa bị thiệt hại (Đắk Lắk).

Nước lũ gây ngập cầu đường bộ Phú Yên. Ảnh: DT

Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc giao thông. Tại Quảng Nam là đường Trường Sơn Đông đoạn qua Quảng Nam; Quốc Lộ 40B, đoạn qua huyện Bắc Trà My; đường tỉnh ĐT 611, 615, 617. Tại Quảng Ngãi sạt lở 2000m3 tuyến ĐH 67, QL 24 - Ba Giang; Đắk Lắk sạt lở Km53+400 QL26, đoạn qua đèo M’Đrắk, sụt lún đoạn đường dài 50 m, sâu 10 m, rộng 12 m; Khánh Hòa sạt lở quốc lộ 27c, 1c và một số tuyến đường tỉnh.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh đã huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích, di dời hộ dân khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn, tổ chức khắc khắc phục hậu quả; tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạ Trung ương về Phòng chống thiên tai, đã có 1.468 hộ/5.674 người di dời khỏi khu vực bị ngập lụt, sạt lở. Trong đó, Quảng Nam: 441 hộ/1.993 người; Quảng Ngãi: 289 hộ/1.062 người; Khánh Hòa: 726 hộ/2.574; Đắk Lắk: 12 hộ/45 người.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức huy động lực lượng tìm kiếm thành công 52 người (45 du khách và 7 người dân địa phương) đưa về nơi an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã cho 279.600 học sinh và 537 điểm trường nghỉ học từ 29/11 đến hết 1/12/2020.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi các Sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10 - 20mm, có nơi trên 40mm. Lũ trên sông Krông Ana tiếp tục lên; các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa tiếp tục xuống.

Tối nay (2/12), mực nước trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu xuống mức 3,0m, ở mức BĐ2. Đến sáng mai (3/12), mực nước tại Câu Lâu xuống mức BĐ1; trên sông Krông Ana tại Giang Sơn lên mức là 425,2m, trên BĐ3 1,2m; mực nước trên sông Vu Gia, sông Dinh Ninh Hòa, các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Đắk Lắk ở mức BĐ1-BĐ2.

Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục diễn ra.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng tiếp tục huy động lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích, sẵn sàng lực lượng cứu hộ cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống. Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát công tác quản lý lữ hành, có biện pháp kiểm soát du khách đi du lịch tự do, hướng dẫn để du khách không đi vào hoặc di chuyển ra khỏi khu vực có thể gặp nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ.

Đồng thời, tăng cường truyền thông về tình hình mưa lũ trên địa bàn và kiểm soát, hạn chế người dân đi vào các khu vực không đảm bảo an toàn khi dễ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn tại các khu vực có nguy cơ cao.

Khải Minh