Hết thời “lướt sóng” bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 18:24, 02/12/2020

(TN&MT) - Thị trường bất động sản (BĐS) 2 năm trở lại đây bị chững lại do sự sụt giảm nguồn cung, ảnh hưởng của dịch Covid-19... khiến lượng giao dịch giảm mạnh, chính vì thế “lướt sóng” BĐS, nhất là căn hộ chung cư không còn là kênh “hái ra tiền” như trước.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), năm 2020 là năm thứ 2 thị trường BĐS và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường BĐS và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, trong giai đoạn từ 2015 đến giữa năm 2018, thị trường BĐS hồi phục và phát triển, khiến các nhà đầu tư dễ dàng “lướt sóng” khi đánh đâu thắng đó. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường BĐS đã chững lại. Mặt khác, nhiều người cũng có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng khi bất trắc. Trong xu hướng này, việc đầu cơ “lướt sóng” căn hộ chung cư không còn là phương án khả thi. 

Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho rằng, dù khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng thị trường BĐS hiện nay vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm này không phải cuộc chơi của những nhà đầu tư "lướt sóng", mà quan điểm đầu tư ở giai đoạn hiện nay là phải có chiến lược đầu tư mang tính chất trung và dài hạn, lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển dự án có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng. Trong đó, nhà đầu tư nên đầu tư ở các thị trường có nhiều lợi thế phát triển ổn định. Tránh tình trạng đầu tư vào các loại hình sản phẩm giá rẻ, không an toàn, thiếu tính bền vững.

Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, đối với những nhà đầu tư cá nhân trong thời điểm này cần cân nhắc yếu tố vốn, vì liên quan đến công việc, đến việc giảm lương nhân viên… kéo theo việc hạn chế, sụt giảm chi tiêu và nhu cầu mua sắm BĐS. Còn đối với những nhà đầu tư có năng lực về tài chính, đây hoàn toàn có thể là một cơ hội cho họ. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc tới những kế hoạch dài hơi hơn.

Ông Trần Khánh Quang - Chuyên gia BĐS cũng đánh giá, hiện nay, hoạt động "lướt sóng" căn hộ chung cư không còn đại trà mà chỉ tập trung vào một số dự án ở phân khúc trung bình, giá tầm 2-2,5 tỷ đồng/căn. Ngoài ra, thị trường BĐS từ đầu năm đến nay chững lại nên nếu không "lướt" nhanh có thể "ôm" nhà 3-6 tháng, thậm chí cả năm. Vì vậy, những người mua đi bán lại căn hộ phải tính kỹ, nếu không dễ chôn vốn, không hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ, hiện nay, cơ hội đầu tư ngắn hạn không còn do tính thanh khoản giảm, dòng tiền đang lưu thông chậm và giảm mạnh. Đầu tư ngắn hạn thường chỉ mang yếu tố thời điểm khi thị trường BĐS sôi động hay có các yếu tố kích hoạt bất ngờ như công bố quy hoạch mới, mở đường hay khởi động các dự án trọng điểm. Còn các nhà đầu tư dài hạn, có nguồn lực tốt sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt và chờ đợi đến khi thị trường BĐS khởi sắc trở lại.

Thục Vy