Điện Biên: Nâng cao năng lực cảnh báo, chủ động phòng thích ứng với biến đổi khí hậu

Môi trường - Ngày đăng : 08:22, 02/12/2020

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Trước nguy cơ ảnh hưởng của BĐKH, Điện Biên phải có các giải pháp, kế hoạch nhằm ứng phó với BĐKH.

Thi công đường vào khu TĐC Huổi Po, bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt khó khăn tại các bản Suối Lư I, II, III, huyện Điện Biên Đông.

Điện Biên là một trong các tỉnh được đánh giá là chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Đất đai bị bạc màu; đa dạng sinh học giảm mạnh; đất bị khô hạn; nhiệt độ không khí tăng cao và hạn hán bất thường, lũ quét không theo quy luật; nhiều dịch bệnh mới hình thành… đã đe dọa đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH, việc xây dựng các giải pháp, kế hoạch và công tác chỉ đạo thực hiện cần được nghiên cứu, trao đổi ở tất cả các cấp, các khu vực, các lĩnh vực (tài nguyên nước, đất, môi trường, các hệ sinh thái…) và trong tất cả các ngành, trong đó quan trọng nhất là năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thuỷ sản, du lịch, tài nguyên và môi trường.

Nhằm tăng cường công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 về việc thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên. Đồng thời, ban hành kịp thời các chỉ thị về việc chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai và khắc phục hậu quả sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh Điện Biên: Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13/2/2017 về việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2017.

Cùng với đó, chủ động theo dõi diễn biến tình hình mưa, thời tiết, mực nước của các trạm đo và các hồ chứa trong tỉnh, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét… để xây dựng phương án phòng ngừa, nhằm chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Kết quả, tổng số lượng người dân được tập huấn, đào tạo nâng cao hiểu biết về thích ứng với BĐKH, thiên tai ở những vùng có nguy cơ cao năm 2017: 1.087 người, tăng gấp 12 lần so với số người được tập huấn, đào tạo năm 2012 (90 người). Ước thiệt hại về tài sản năm 2017 là 156.598 triệu đồng, giảm 50.822 triệu đồng so với năm 2012 (207.420 triệu đồng)

Các hồ chứa thường xuyên được kiểm tra, đánh giá về an toàn hồ, đập.

Về đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, địa phương đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ hồ tiến hành kiểm tra đánh giá chung về ổn định hồ, đập; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão của hồ, đập. Trong đó, tập trung kiểm tra các công trình đầu mối hồ chứa, đập dâng nước, tràn xả lũ, cống lấy nước.

Đồng thời, để đảm bảo cho các khu vực thường xuyên bị sụt lún, trượt lở đất đá, lũ quét, UBND tỉnh Điện Biên đã Phê duyệt kết quả dự án ” Điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên”; Phê duyệt dự án bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt khó khăn tại các bản Suối Lư I, II, III đến định cư tại khu vực Huổi Po xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên (thực hiện các biện pháp để tiến hành di dời 74 hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở); Phê duyệt điều chỉnh quy mô đầu tư và thời gian thực hiện dự án di chuyển dân cư nơi nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, đời sống đặc biệt khó khăn thuộc các bản Nậm Bay, Pa Cá đến định cư tại khu Phiêng Xanh, xã Mùn Chung huyện Tuần Giáo…

Tỉnh Điện Biên đang tiến hành lập, xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Xây dựng Kế hoạch số 3763/KH-UBND ngày 25/12/2017 triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện thoả thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên về BĐKH được đẩy mạnh.

Các dự án do các tổ chức Phi chính phủ tài trợ đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã góp phần hỗ trợ cộng đồng nông dân ở Điện Biên cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về các chính sách liên quan đến BĐKH, đồng thời tăng cường ảnh hưởng đối với việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết các vấn đề thích ứng với BĐKH, an ninh lương thực và giảm nghèo tại địa phương.

Thông qua các phương tiện truyền thông, các bài báo, chuyên đề, phát thanh, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên được tiếp cận với thông tin, kiến thức về biến đổi khí hậu, nguyên nhân gây ra BĐKH, những tác động tiêu cực của con người đến môi trường và những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Từ đó tác động sâu sắc đến nhận thức, tư tưởng của nhân dân, giúp mọi người dân từng bước thay đổi thái độ và hành vi ứng xử cũng như sự quan tâm đối với môi trường trong cuộc sống và trong công việc.

Hà Thuận