Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Cần kết nối nguồn lực hỗ trợ

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:16, 01/12/2020

(TN&MT) - Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, đồng thời thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam còn thiếu rất nhiều các chuyên gia tư vấn, những chương trình đào tạo cho khởi nghiệp, những doanh nhân thành công quay về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thiếu các chuyên gia tư vấn cho khởi nghiệp

Tại Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Bộ KH&CN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 28/11 tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam còn thiếu các chuyên gia tư vấn cũng như các chương trình đào tạo cho khởi nghiệp, vì thế cần tăng cường kết nối nguồn nhân lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển.

Theo thống kê của Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ. Trong đó, có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, về các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay, ngoài những người có ý tưởng, muốn hình thành doanh nghiệp, những người đang đưa ra mô hình sản xuất kinh doanh của mình, cũng cần rất nhiều nhân lực khác là những người tư vấn, những nhà đầu tư, những người giúp cho danh nghiệp các kiến thức về quản trị nhân lực, quản trị kinh doanh, xây dựng mô hình về hoạt động kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường, sỡ hữu trí tuệ, quản lý tài chính...

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, các trường Đại học, các trường Cao đẳng kỹ thuật cần đưa vào những môn học dạy cho các sinh viên khởi nghiệp những kiến thức cơ bản. Cùng với đó, VCCI cần chọn ra những doanh nghiệp lớn, những doanh nhân thành công quay trở lại hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp về những kinh nghiệm đi trước, những khó khăn vượt qua, những bản lĩnh trong quá trình hình thành doanh nghiệp. Chỉ có như thế mới giúp hỗ trợ các hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển.

Các đại biểu tập trung thảo luận về những giải pháp kết nối các nguồn nhân lực để khởi nghiệp

Xây dựng nhiều hơn các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST

Tại phiên thảo luận trong Diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST để các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức hỗ trợ startup.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Camphuchia cho biết, tháng 12/2019, Qualcomm đã khởi động Chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcon Việt Nam với mục đích thúc đẩy ĐMST trong cộng đồng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam; tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty sáng tạo khởi nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tiên phong như công nghệ di động, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh,… phù hợp với chiến lược phát triển công nghệ của Việt Nam; nuôi dưỡng, phát triển, tiến đến việc đưa nhiều hơn các sản phẩm công nghệ Việt Nam ra thế giới.

Theo ông Thiều Phương Nam, Việt Nam là nước thứ 3 thực hiện Chương trình này, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ. Chương trình ngay trong năm đầu tiên đã nhận được sự tham gia rộng rãi, tích cực từ các startup công nghệ tại Việt Nam với hơn 60 hồ sơ tham gia là các ý tưởng, kế hoạch phát triển sản phẩm sáng tạo có khả năng cao phù hợp với các lĩnh vực trọng điểm của Việt Nam như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, công nghệ y tế. Các chuyên gia sẽ xem xét, chọn ra 10 công ty vào vòng trong với tiền thưởng 10.000 USD và tiếp tục tham gia vào Chương trình ươm tạo của Chương trình.

Ngoài các hỗ trợ về tài chính, các startup sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ từ Qualcomm như các khóa huấn luyện về kinh doanh, gọi vốn đầu tư, được hỗ trợ trong việc đăng ký Bằng sáng chế; được sử dụng các phòng Lap R&D của Qualcomm tại Hà Nội trong việc phát triển sản phẩm của mình. Công ty hoạt động trên toàn cầu sẽ kết nối các startup với hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới. “Mục tiêu cuối cùng là giúp mang các sản phẩm của startup Việt Nam ra thế giới”, ông Nam nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19, nhận thấy nhu cầu lớn của hệ thống ĐMST Việt Nam, UNDP đã triển khai một chương trình mới nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp ĐMST, làm sâu sắc hơn hiểu biết về đầu tư của các nhà khởi nghiệp. UNDP đã tổ chức một nghiên cứu quan trọng trong việc hỗ trợ và thành lập trung tâm ĐMST tại trường đại học.

Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, bà Caitlin Wiesen cho rằng, cần ươm tạo, cố vấn cho các startup phát triển các ý tưởng khởi nghiệp; có chương trình ĐMST trong đào tạo để hỗ trợ các startup, không chỉ ở Trung ương mà còn ở các địa phương. Cần kết nối giữa các startup, kết nối giữa các tổ chức trong và ngoài nước, tạo ra các sản phẩm quan trọng mang ý nghĩa xã hội, hỗ trợ cho cộng đồng.

Mai Đan