WWF cùng Việt Nam chống “ô nhiễm trắng”, bảo vệ sinh vật biển
Môi trường - Ngày đăng : 20:50, 01/12/2020
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý |
PV: Xin bà cho biết, WWF mang đến thông điệp gì tại Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á 2020, một Hội nghị có sức hút lớn các tổ chức quốc tế bàn giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý:
WWF là một tổ chức bảo tồn thiên nhiên, các loài động vật hoang dã… Vì vậy, đứng trước sức ép của vấn nạn ô nhiễm chất thải nhựa, WWF có sứ mệnh bảo vệ đa dạng sinh học trên toàn cầu, trong nỗ lực của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, WWF không đứng ngoài cuộc. Trong 3 năm vừa qua, chúng tôi đã tích cực huy động được các nhà tài trợ nhằm thực hiện các Dự án giảm thiểu rác thải nhựa của Việt Nam. Thông qua Hội nghị lần này, WWF muốn truyền tải thông điệp của Dự án mà chúng tôi đang thực hiện đó là cần bảo vệ đa dạng sinh học trước vấn nạn của “ô nhiễm trắng” đến người dân trên toàn thế giới, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các tổ chức quốc tế, của các nước trên thế giới, khối doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, quan tâm và thực thi các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sinh thái.
PV: Vậy do đâu mà một tổ chức chuyên làm bảo tồn lại chuyển sự quan tâm tới rác thải và nhựa? Điều này có gây khó khăn gì trong hoạt động triển khai các dự án hay không?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý:
Thực ra chuyện WFF là một tổ chức bảo tồn mà lại quan tâm tới nhựa và rác thải không khó khăn như mọi người nghĩ. Bởi lẽ mọi người biết rác thải nhựa đã ảnh hưởng đến tất cả các loài từ rừng xuống biển. Rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường biển của Trái đất. Đặc biệt, rác nhựa trên biển có thể di chuyển và tản mạn xuyên biên giới. Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn 9 triệu tấn rác nhựa; điều này đe dọa môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã - với hơn 270 loài được ghi nhận có thể đã bị tổn thương bởi các ngư cụ bị vứt bỏ và các loại nhựa thải bỏ gây ra. Ngoài ra, 240 loài đã được ghi nhận có cá thể nuốt phải nhựa. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển và của loài người.
WWF với sứ mệnh bảo vệ các loài, hệ sinh thái, sinh cảnh, chúng tôi tập trung vào vấn đề giảm ảnh hưởng ô nhiễm từ môi trường dẫn đến ảnh hưởng sinh cảnh và sự tồn vong của các loài, hiện nay rác thải nhưạ là một nguy cơ rất lớn. Tất nhiên, khi bắt tay vào triển khai mỗi một dự án đều gặp không ít khó khăn. Song điều may mắn là chúng tôi đã đã huy động được một khoản tiền 9,8 triệu Euro từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân, Cộng hoà Liên bang Đức để thực hiện Dự án trong 3 năm. Hiện Dự án đã bước đầu triển khai tại 10 địa phương của 9 tỉnh, thành trên cả nước.
Rác thải nhựa tác động đến cả sinh vật biển sống ở nơi sâu nhất trên Trái đất. Ảnh: Organic and free |
PV: Bà có thể cho biết rõ hơn về hoạt động của Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam mà chúng ta đang triển khai?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý:
Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do WWF tài trợ sẽ được triển khai tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố, bao gồm: A Lưới (Thừa Thiên - Huế); Đà Nẵng; Đồng Hới (Quảng Bình); Hà Tĩnh; Long An, Rạch Giá (Kiên Giang); Tuy Hòa (Phú Yên) và 3 khu bảo tồn biển là Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc. Dự án đã được triển khai từ năm 2019 với 4 hợp phần: Truyền thông; Chính sách quản lý chất thải rắn; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Đô thị giảm nhựa và Khu bảo tồn biển.
Tại Trung ương, chúng tôi tập trung hỗ trợ xây dựng hệ thống chính sách pháp luật nhằm đưa ra những chính sách nhất quán và sáng kiến để triển khai thực hiện; Ở địa phương, chúng tôi cũng hỗ trợ cho các Chương trình thu gom rác thải, xử lý chất thải rắn nói chung, rác thải nhựa nói riêng hợp vệ sinh; Xây dựng mô hình cộng đồng thu gom rác thải đúng cách, xoá bỏ các “điểm nóng” về rác thải; phân loại tại nguồn; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường tham gia tái chế; truyền thông huy động sự tham gia của học sinh, sinh viên và các tổ chức chính trị - xã hội thay đổi nhận thức về sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, hạn chế sử dụng và thải bỏ các sản phẩm từ nhựa.
Tại địa phương có Dự án bây giờ mới khởi động, có Dự án chuyển tiếp từ một số Chương trình chúng tôi đã thực hiện trước đây. Ví dụ như tại Phú Quốc, từ năm 2019 chúng tôi đã khởi động Dự án “Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa”. Đã hỗ trợ địa phương ban hành Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2025 và tổ chức Ngày vì môi trường tại Phú Quốc; đồng thời ký cam kết tham gia Sáng kiến đô thị Giảm nhựa của WWF. Kết quả bước đầu đã có 20 khách sạn, resort và công ty lữ hành ký cam kết giảm nhựa; 20 quán cà phê và nhà hàng ký cam kết giảm nhựa…
PV: Bà có đánh giá, nhận xét gì về nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, đặc biệt khi Chính phủ đã thông qua và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý:
Là một trong những nước trong khu vực có lượng chất thải nhựa lớn ra biển, Việt Nam đã “vào cuộc” rất tích cực với nhiều hành động cụ thể, đặc biệt là truyền thông nâng cao nhận thức và đưa ra sáng kiến tìm vật liệu thay thế. Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương. Đây là một sáng kiến, một định hướng, đồng thời cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đối với vấn đề giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Song đây là một Kế hoạch dài hơi, cần sự chung tay của rất nhiều các bên, của người dân, doanh nghiệp… Chúng tôi cũng kỳ vọng, với mục tiêu của Kế hoạch hành động này, kết quả của nó sẽ thay đổi hình ảnh của Việt Nam không những với bạn bè quốc tế mà còn cải thiện đáng kể môi trường sống tại Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!