Tăng cường năng lực quản lý viễn thám

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:38, 01/12/2020

(TN&MT) - Trên thế giới, công nghệ viễn thám ngày càng phát triển và có nhiều ứng dụng thiết thực. Ở Việt Nam, sau hơn bốn thập kỷ tiếp cận và phát triển công nghệ viễn thám cũng đã được ứng dụng để giải quyết các vấn đề về quản lý và giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, quốc phòng, an ninh và một số ngành kinh tế xã hội khác. Nhưng sự phát triển viễn thám ở Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của nó.

Thiếu cơ chế chính sách, bộ máy quản lý chưa hoàn thiện

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, tại Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT đã quy định viễn thám là một trong chín lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Điều đó bước đầu đã xác định được vị trí vai trò và sự cần thiết của viễn thám trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, đến nay bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về viễn thám cấp Trung ương chỉ có ở Cục Viễn thám quốc gia trực thuộc Bộ TN&MT; Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám trực thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường và một số bộ phận về viễn thám ở cấp phòng thuộc một số Bộ, ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thứ trưởng Lê Công Thành thăm phòng làm việc tại Trạm thu ảnh viễn thám

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực về viễn thám ở cả cấp Trung ương và địa phương đều đang rất thiếu cả về số lượng và cơ cấu chuyên ngành. Ngoài các thành phố lớn trực thuộc trung ương, thì ở hầu hết các địa phương có rất ít cán bộ có chuyên môn sâu về viễn thám hoặc chủ yếu nhân lực được đào tạo từ các chuyên ngành khác. Người thực sự có am hiểu về viễn thám chủ yếu được đào tạo từ nước ngoài, con số này cũng không nhiều và có chiều hướng suy giảm.

Ở một số trường đại học, viện nghiên cứu trong nước có đào tạo cung cấp nhân lực cho viễn thám. Tuy nhiên chưa có nhiều chuyên ngành ứng dụng viễn thám cũng như chương trình đào tạo riêng biệt cơ bản. Trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu về viễn thám chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý cũng như sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia

Sở dĩ phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám ở nước ta bị hạn chế là cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu còn yếu, đầu tư cho viễn thám cần nguồn kinh phí lớn nên nhiều hạng mục còn chưa được xây dựng. Trong khi đó, tại thời điểm này chúng ta có vệ tinh VNRETSAT-1, hiệu quả của vệ tinh mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu sử dụng công nghệ viễn thám, dẫn đến tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Cần giải pháp tổng thể

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Bộ TN&MT đã chủ trì, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo dự thảo Đề án “Tăng cường năng lực quản lý viễn thám”.

Đến nay dự thảo Đề án đã cơ bản hoàn thành và đang trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, Dự thảo Đề án tập trung vào các giải pháp toàn diện nhằm mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị viễn thám đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Trong đó, mục tiêu cụ thể là xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển ứng dụng viễn thám bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực và phân cấp trung ương với địa phương.

Nâng cao năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về viễn thám đáp ứng yêu cầu quản lý, triển khai ứng dụng ở các ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% công chức quản lý viễn thám ở các Bộ, ngành, địa phương được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về viễn thám.

Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý nhà nước, phát triển ứng dụng viễn thám, đào tạo, nghiên cứu khoa học về viễn thám bảo đảm đến năm 2030 nằm trong nhóm các quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước mắt, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật những thông tin, kiến thức cơ bản và thiết thực về công nghệ viễn thám phục vụ cho hoạt động tác nghiệp thường xuyên. Đồng thời cập nhật những kiến thức mới, đảm bảo cơ cấu hợp lý trong kiến thức chuyên ngành tương ứng với trình độ chung của các nước trong khu vực, phấn đấu đạt trình độ quốc tế.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về viễn thám. Cơ sở dữ liệu viễn thám được xây dựng trên mô hình thiết lập và phát triển hệ thống thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, tích hợp, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu, phân phối thông tin trực tuyến qua hệ thống mạng; đảm bảo cho toàn bộ hệ thống được thống nhất và đồng bộ từ trung ương đến địa phương…

 

Thủy Nguyễn