Lồng ghép yếu tố “thiên tai” vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:37, 30/11/2020

(TN&MT) - Các tỉnh đang trong thời kỳ làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây là thời điểm thuận lợi để chính quyền tính đến yếu tố thiên tai, quy hoạch khu công nghiệp, vùng chăn nuôi tránh vùng trũng thấp; xây dựng trường học, công trình công cộng tránh lũ, gió bão tốc mái…

Thiệt hại do thiên tai không thể thống kê hết

Từ giữa tháng 9 đến nay, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân.

Bộ NN&PTNT hỗ trợ cá giống cho một số tỉnh miền Trung

Theo Bộ NN&PTNT, bão lũ khiến 249 người chết và mất tích (192 người chết, 57 người mất tích); về nhà ở có hơn 1.500 nhà bị sập, gần 240.000 nhà bị hư hại, tốc mái. Bão lũ cũng khiến gần 50.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 40.000 con gia súc và hơn 3.600 ngàn gia cầm chết và bị cuốn trôi; 800 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hơn 200 km bờ biển, bờ sông bị sạt lở… Ước tính thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh những con số thống kê được, đợt bão lũ để lại hậu quả lâu dài mà không thể tính toán được hết. Bao nhiêu người dân mất đi sinh kế, phải rời bỏ quê hương. Nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng…

Phục hồi khẩn cấp

Nhằm hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng do thiên tai, Chính phủ đã xuất cấp hơn 15.800 tấn gạo cùng các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân. Bộ đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, Bộ cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại để giúp người dân 4 tỉnh; kêu gọi hỗ trợ về tôm giống, cá giống, hỗ trợ vắc xin, chế phẩm xử lý môi trường…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang phối hợp với 6 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) chịu ảnh hưởng nặng nhất thực hiện giai đoạn khẩn cấp, phục hồi ngay để đáp ứng mức sống, sinh hoạt tối thiểu của người dân.

Sau lũ, người dân cần nhất là nước sạch, vệ sinh tẩy uế môi trường, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ lắp đặt 4.000 thiết bị lọc nước cho các hộ dân ở 30 xã; sửa chữa công trình nước sạch, nhà vệ sinh của các trường học, trạm y tế bị xuống cấp.

Chú trọng cải tạo đồng ruộng, kênh mương sau lũ

Liên quan đến việc khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, mưa lũ khiến hệ thống trạm bơm bị ngâm nước, bồi lắng, kênh mương, đê kè, sạt lở, ảnh hưởng đến vụ sản xuất đông xuân tới. Do vậy, việc này cần làm nhanh theo nguyên tắc tài chính, công trình lớn cấp trung ương làm, công trình nhỏ của địa phương. Tuy nhiên, địa phương không thể làm hết vì đang rất khó khăn.

Để người dân sống chung lâu dài với thiên tai…

Hiện nay, các tỉnh trong giai đoạn làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, là thời điểm thuận lợi để chính quyền tính yếu tố thiên tai. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, quy hoạch khu công nghiệp, vùng chăn nuôi cần tránh vùng trũng thấp. Xây dựng trường học, công trình công cộng tránh lũ, gió bão tốc mái.

Theo ông Hiệp, đối với mỗi gia đình ở miền Trung, khi xây dựng lại nhà sau đợt mưa lũ cần tính ngay đến mốc lũ, mái kiên cố tránh gió bão. Có thể tốn kém hơn nhưng phải làm cho bằng được. Nếu làm nhà tạm trận bão lớn lại san phẳng.

Thực tế vừa qua có một số nhóm từ thiện độc lập đã xây dựng được hơn 1.000 nhà nổi trong lũ. Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Xây dựng đã phối hợp triển khai hơn 4.000 nhà trong dự án với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc. Đây là mô hình thiết thực với người dân vùng lũ, hiện Bộ NN&PTNT đang đưa ra quy chuẩn nhà để phát triển rộng hơn.

Về lâu dài, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng thiên tai dị thường, ông Hiệp cho rằng, chiến lược ứng phó thiên tai vẫn phải lấy phòng ngừa làm chủ đạo. Với điều kiện nước ta, khi có thiên tai, địa hình chia cắt, phương châm “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần tại chỗ) phải được duy trì. Bên cạnh đó, hướng đến xây dựng những cộng đồng an toàn, trong đó mỗi người dân tự trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai.

Tuyết Chinh