Xử lý phế thải sau phá dỡ toà nhà 8B Lê Trực: Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:30, 30/11/2020

(TN&MT) - Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý phế thải đảm bảo các quy định hiện hành của UBND TP. Hà Nội đối với công trình phá dỡ 8B Lê Trực, đại diện UBND quận Ba Đình khẳng định toàn bộ số lượng phế thải xây dựng phát sinh từ việc tháo dỡ các tầng 19 và tầng 18 tại đây do Chủ đầu tư của dự án đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xử lý phế thải sau phá dỡ toà nhà 8B Lê Trực, trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư

Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 16/11/2020, ông Bùi Thanh Bình - Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND quận Ba Đình mới cung cấp các thông tin liên quan các vấn đề môi trường của công trình phá dỡ 8B Lê Trực. Ông Bình cho biết: Trước phản ánh của người dân về việc nhiều phế thải sau khi phá dỡ toà nhà không được chở đến đúng địa điểm là bãi tập kết xử lý đúng theo Hợp đồng số: 025/2020/HĐKT, ngày 2/5/2020 về việc Công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long đồng ý tiếp nhận và xử lý chất thải xây dựng không nguy hại, bao gồm: Đất, gạch trạc, cát, vữa, bê tông xây dựng do bên A là Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam vận chuyển từ công trình phá dỡ, tháo dỡ tầng 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực về bãi xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền ở phía Nam thành phố.

Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh sau khi ký Hợp đồng trên, Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần May Lê Trực đã có văn bản gửi UBND quận Ba Đình xin được nhận lại toàn bộ số bê tông, phế thải sau phá dỡ để đơn vị tự xử lý. Theo đó, Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam có trách nhiệm thực hiện việc phá dỡ bằng máy cắt dây kim cương, cắt gọt từng khối bê tông vận chuyển xuống vị trí tập kết cho phép.

Quá trình triển khai công việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực có phát sinh khói bụi ở trên cao, nhưng được xử lý bằng hệ thống lưới che chắn, không gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình tháo dỡ, phá dỡ, UBND quận Ba Đình đã đề nghị đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH tư vấn xây dựng VNT Việt Nam (chứng chỉ năng lực giám sát hạng I) giám sát. Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội - Sở Xây dựng Hà Nội khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, thiết lập hệ thống quan trắc biến dạng công trình trong quá trình phá dỡ, tháo dỡ.

Theo đánh giá của Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội thì độ võng và kích thước của các vết nứt tại các cấu kiện quan trắc chưa vượt ngưỡng các tiêu chí là cấu kiện nguy hiểm theo tiêu chuẩn TCVN 9381:2012 - Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà.

“Sau khi đã thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã cam kết việc còn lại là của Công ty Cổ phần May Lê Trực. Vì vậy, có thể khẳng định số lượng phế thải, các khối bê tông sau phá dỡ đi đâu, về đâu, có đảm bảo theo các quy định pháp luật bảo vệ môi trường của Chính phủ, chỉ thị của UBND TP. Hà Nội hay không là trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án toà nhà 8B Lê Trực” - ông Bình nói.

Phế thải công trình phá dỡ 8B Lê Trực

Cũng xoay quanh các vấn đề trên, ông Trần Duy Anh - Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị UBND quận Ba Đình cho biết: Theo chỉ đạo UBND TP. Hà Nội một Tổ công tác gồm UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng cùng các ban, ngành thành phố,… đã được thành lập để thực hiện việc chỉ đạo xuyên suốt đối với một công trình mang tính trọng điểm về vi phạm trật tự xây dựng được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành phá dỡ toàn bộ tường gạch, tường kính, sàn, mái, dầm, cột tầng 18 theo phương án được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-UBND ngày 23/4/2020 và số 1176/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 của UBND quận Ba Đình. Việc phá dỡ như trên đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời, cũng đảm bảo quyền lợi đúng mức của các bên liên quan và an toàn cho công trình.

Quá trình tháo dỡ, phá dỡ phần vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B phố Lê Trực được thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn lao động và an toàn đối với các bộ phận kết cấu công trình còn lại; không để xảy ra tai nạn lao động làm ảnh hưởng tới an toàn của người dân và các công trình khác trong khu vực.

Trước đó, từ đầu tháng 5/2020, phường Điện Biên, cùng các ngành chức năng của quận Ba Đình đã thực hiện các công việc như: Mở khóa các căn hộ tại tầng 18, kiểm đếm, tháo dỡ, niêm phong các thiết bị, đồ đạc trong các căn hộ để đưa về nơi lưu giữ theo quy định, đảm bảo đúng quy trình quy định, có sự chứng kiến của Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận…

Hiện các sở, ngành, UBND quận Ba Đình tiếp tục giám sát chặt chẽ công trình, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; trong đó có việc hoàn trả ngân sách kinh phí cưỡng chế, khẩn trương hoàn thiện công trình theo phương án kiến trúc, hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt theo quy định, bảo đảm an toàn cho công trình và công trình lân cận, bảo đảm mỹ quan, kiến trúc đô thị.

Huy An