Thừa Thiên Huế: Khôi phục đặc sản thanh trà sau bão lũ

Xã hội - Ngày đăng : 11:19, 30/11/2020

(TN&MT) - Sau những đợt mưa lũ và bão vừa qua, hàng trăm hộ dân trồng thanh trà ở Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng nề. Người dân đang nổ lực khôi phục giống cây đặc sản này...

Thiệt hại nặng

Theo thống kê, những đợt bão lũ thời gian dài vừa qua khiến 540 ha cây có múi ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng, do bị nước ngâm lâu ngày nên nhiều diện tích đã chết và đổ bệnh. Trong đó, chủ yếu là cây thanh trà và tập trung ở xã Phong Thu (huyện Phong Điền), phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) và phường Thủy Biều (TP. Huế).

Cụ thể, phường Hương Vân có khoảng 130 ha thanh trà bị chết, số còn lại cũng đang bị khô héo dần. Xã Phong Thu có 100 ha bị hư hại. Phường Thủy Biều có hơn 12 ha bị thiệt hại nặng.

Nhiều diện tích thanh trà tại Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng sau mưa lũ

Thanh trà lâu nay vẫn được xem là cây trồng mang lại kinh tế cao cho hàng trăm hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì bỗng chốc “trắng tay” do thiên tai ập đến liên tiếp.

Ông Dương Đình Hữu (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) chia sẻ, vườn thanh trà 5 sào của gia đình đã trồng được hơn 4 năm nay, đang cho thu hoạch thì bị mưa, lũ ngâm hơn 10 ngày, khiến hơn 95% cây bị hư hại, ước tính tổn thất hơn 200 triệu đồng.

“Mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong 1 - 2 ngày nên không sao, năm nay cây bị ngập trong nước gần nửa tháng nên chết hàng loạt. Thanh trà bị chết chủ yếu là những cây trồng khoảng 4 năm trở lại, ở nơi thấp trũng...”, ông Hữu cho hay.

Tranh thủ những ngày tạnh ráo này, hàng trăm hộ trồng thanh trà xuống vườn khẩn trương vệ sinh vườn trồng, chăm sóc cây cứu những diện tích thanh trà bị hư hại của gia đình sau bão, lũ.

“Gia đình phải cắm mặt suốt ngày ngoài vườn làm đất, bôi vôi để cứu vãn mấy sào thanh trà. Bị nước lũ ngâm lâu ngày khiến thân cây thanh trà bị nấm, đây là một dịch bệnh rất nguy hại với cây trồng này. Nếu không xử lý kịp cây sẽ chết rất nhanh...”, bà Nguyễn Thị Chuối (70 tuổi, trú phường Hương Vân) nói.

Người dân đang tìm cách cứu giống cây đặc sản

Hỗ trợ dân

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau mưa lũ, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật về phối hợp với các địa phương, HTX để có những hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nông dân cứu vườn cây, khôi phục sản xuất.

“Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người trồng có thể kiểm tra bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan. Đối với diện tích trồng mới, trồng dặm lại cây chết sau lũ lụt người trồng nên chú ý sử dụng nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng, đắp mô cao và trồng đúng kỹ thuật để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời sau khi vườn cây được phục hồi”, ông Thọ cho hay.

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhằm hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất sau bão lũ, phía trung tâm cũng đã có nhũng gói hỗ trợ khuyến nông cho các tỉnh, trong đó có Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cũng sẽ mở những lớp đào tạo, huấn luyện khắc phục bão lũ theo từng nhóm: thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt… từ đó, có những giải pháp cụ thể để khắc phục sản xuất sau thiên tai. Về lâu dài, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương ở miền Trung xây dựng những mô hình khuyến nông dài hạn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Cơ quan chức năng khảo sát, hướng dẫn người dân khôi phục...

Tại chuyến kiểm tra thực tế, hỗ trợ người trồng thanh trà ở Thừa Thiên Huế khắc phục sau bão lụt mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh cho rằng, thanh trà là cây đặc sản được duy trì lâu đời ở Thừa Thiên Huế, chất lượng cũng rất ổn định, vì vậy cần được khôi phục lại những vườn đã bị thiệt hại.

“Vấn đề quan trọng hiện nay là phải phân loại được mức độ thiệt hại của từng diện tích cụ thể, từ đó có những biện pháp kĩ thuật phù hợp trong việc khắc phục. Đối với những diện tích không thể phục hồi, phải trồng lại đề nghị bà con nên chọn giống chất lượng để thay thế. Còn những nơi quá trũng, hay bị ngập lụt thì không nên tiến hành trồng lại mà chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã cử nhiều đoàn công tác với nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm về trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc phục hồi thanh trà...

Văn Dinh