Cấp bách khôi phục rừng bị thiệt hại do thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:19, 30/11/2020
Gần 150.000ha rừng bị thiệt hại
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của thiên tai từ tháng 9/2020, 7 tỉnh khu vực miền Trung bị thiệt hại về cây giống ở vườn ươm. Cụ thể, số cây giống bị gẫy, chết là 25,6 triệu cây, trong đó Quảng Bình chịu thiệt hại lớn nhất với 20,3 triệu cây; tiếp đến là Quảng Trị 2,7 triệu cây; Thừa Thiên Huế 1 triệu cây…
Tài nguyên rừng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ kéo dài ở miền Trung. Ảnh minh họa |
Cùng với cây giống, có 9 tỉnh bị thiệt hại về rừng với tổng diện tích 149.295ha. Trong đó, có 1.221ha rừng tự nhiên và khoảng 148.074ha rừng trồng. Mức độ thiệt hại riêng đối với diện tích rừng tự nhiên là: 197ha thiệt hại <30%; 172ha thiệt hại từ 30 - 50%; 118ha thiệt hại từ 50 - 70% và 734ha thiệt hại trên 70%.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, trước thiệt hại về tài nguyên rừng, Tổng cục đã tham mưu Bộ NN&PTNT kịp thời có Văn bản về việc khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra gửi UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh căn cứ Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra để thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục rừng
Liên quan đến giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai đối với ngành lâm nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển cho biết, trước mắt, đối với cây giống và rừng trồng bị thiệt hại bị thiệt hại, đơn vị đề nghị áp dụng Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ để hỗ trợ. Riêng đối với diện tích rừng trồng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, việc xử lý rừng bị thiệt hại áp dụng theo Thông tư số 18/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng.
Về lâu dài, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiến hành phân vùng trọng điểm rủi ro, thiên tai trong lĩnh vực lâm nghiệp. Xây dựng tiêu chuẩn rừng có khả năng phòng hộ tốt, có sức chống chịu với bão, lũ, mưa lớn.
Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, đối với rừng tự nhiên tập trung nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua việc bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng. Còn với rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng thông qua biện pháp kỹ thuật theo chuỗi từ khâu chọn loài cây trồng, đưa giống tốt vào sản xuất, thâm canh, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, bố trí một số dự án ưu tiên cho phục hồi, bảo vệ rừng gắn với cải thiện sinh kế và phòng chống thiên tai tại các vùng rừng nhạy cảm, vùng đầu nguồn, cửa sông, ven biển. Thực hiện việc khôi phục rừng hoặc trồng lại rừng theo các phương án được phê duyệt. Chuẩn bị, chủ động bố trí đủ cây giống đảm bảo chất lượng cho trồng rừng. Khẩn trương khắc phục, tiêu độc, khử trùng vườn ươm để đưa vào sản xuất cây giống.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất lâm nghiệp theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể gồm: Kinh phí hỗ trợ thiệt hại về cây giống ở giai đoạn vườn ươm; Kinh phí hỗ trợ thiệt hại rừng của hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân.
Tổng cục lâm nghiệp cũng đề nghị các địa phương có rừng bị thiệt hại tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực thiện việc rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về rừng để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả và triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, ngăn ngừa rủi ro, thiệt hại về rừng ở địa phương.
“Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm nâng mức đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng tại các vùng rừng dễ bị rủi ro, thiên tai gây ra”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị.