Kỷ nguyên số tạo cơ hội vàng cho phụ nữ

Xã hội - Ngày đăng : 19:52, 27/11/2020

(TN&MT) - Ngày 27/11, Tổ chức Tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM) phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho khách hàng tài chính vi mô góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh và việc làm đối với  phụ nữ” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu.

Mở rộng cơ hội kinh doanh cho phụ nữ

Toàn cảnh hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Giám đốc TYM nhấn mạnh: “Việc thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng số cho khách hàng tài chính vi mô, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là việc làm hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay”.

Thực tế chứng minh, công nghệ số giúp doanh nghiệp thay đổi vượt bậc, chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian và các giá trị mới, cơ hội mới.

Đặc biệt, trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp phiên đặc biệt với chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số và nhất trí về nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận công nghệ số một cách thuận lợi.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ, cần nhiều chính sách để thúc đẩy. Hiện nay, có 200 nghìn doanh nghiệp do nữ đang làm chủ, đối với hộ kinh doanh, trên 50% trên 5 triệu hộ do phụ nữ làm chủ, có thể thấy phụ nữ đang có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Việc đào tạo cho phụ nữ có thể ứng dụng công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng.

Tiếp cận hơn với tài chính số

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), dịch vụ tài chính số với những ưu điểm đó là thuận tiện, nhanh chóng, sẵn sàng ở mọi lúc mọi nơi và chi phí thấp sẽ giúp việc kinh doanh cũng như đời sống của người dân được cải thiện hơn.

Phiên thảo luận

Tuy nhiên, các con số cho thấy việc tiếp cận với dịch vụ tài chính hiện đại ở các nước đang phát triển và ở Việt Nam vẫn còn khiếm tốn, do nhận thừ của người dân về vấn đề này chưa được đầy đủ.

Theo bà Hiền, dịch vụ tài chính số sẽ giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa xử lý được những tình huống khó khăn bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Đơn cử như việc nhận tiền hỗ trợ trong đại dịch vừa qua. Chính vì vậy, bà Hiền cho rằng, việc giáo dục tài chính cho người dân là vô cùng quan trọng, và nhất là đối với người phụ nữ.

Đồng tình với ý kiến này, bà Phạm Thị Hương Giang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành viên hội đồng TYM cho biết: Không thể phủ nhận rằng, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao của phụ nữ. Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu sống còn cần chuyển đổi số.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, một nguyên nhân khiến họ không tiếp cận tài chính thuận lợi đó là điểm giao dịch tài chính rất xa so với nơi ở của người dân, đặc biệt là những phụ nữ không có thời gian tham gia, khó khăn cũng hạn chế. Chính vì vậy, công nghệ sẽ là đòn bẩy để dịch vụ tài chính tiếp cận nhiều phụ nữ hơn.

Nhằm giúp phụ nữ có thể tiếp cận với công nghệ số một cách dễ dàng hơn, Quỹ châu Á và Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương (TYM) thống nhất hợp tác tổ chức Dự án “Go Digital ASEAN”, để mở rộng cơ hội kinh tế bằng cách trang bị cho các cộng đồng yếu thế, đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ do nữ làm chủ và hộ kinh doanh gia đình, các kỹ năng công nghệ thông tin quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số”. Dự án hỗ trợ 10 quốc gia Đông Nam Á bao gồm có Việt Nam.
Đến nay, dự án đã đào tạo cho 62.447 khách hàng và chồng, con khách hàng với 25% nội dung bài học về cách sử dụng các công cụ công nghệ thông tin và thị trường online để thực hiện các hoạt động kinh doanh và sinh kế.

Trang Trang