Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Ngành TN&MT khẳng định được vị thế trong phát triển bền vững của đất nước

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:43, 27/11/2020

(TN&MT) - Tới dự và chỉ đạo đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, trong thời gian qua, Ngành Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị thế trong phát triển bền vững của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, qua theo dõi tình hình, xem phim phóng sự và tham luận của các điển hình tiên tiến, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao toàn Ngành:  "Trong 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự cố môi trường biển miền Trung, hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, v.v.  nhưng các đồng chí đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Càng khó khăn, càng phải thi đua”, "Càng thi đua, càng mau thắng lợi" và tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, “trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững, khẳng định vị thế của ngành Tài nguyên và Môi trường trong phát triển bền vững của đất nước.” – Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hiện nay, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ sẽ tạo ra những ngành nghề mới, cách thức sản xuất mới. Đồng thời, những thay đổi về chính sách của các nước, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã, đang và sẽ tiếp tục tác động sâu sắc đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. 

Đặc biệt, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, tình hình mưa bão ở miền Trung trong thời gian vừa qua gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề ảnh hưởng tới đời sống của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Trong bối cảnh đó, các mô hình phát triển bền vững như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế sinh học, v.v. cần được tiếp tục nghiên cứu để áp dụng hiệu quả vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đây là những vấn đề lớn đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, đồng thời đề nghị ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ để đem lại những kết quả tích cực vừa phát triển ngành vừa phục vụ đất nước.

Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần thống nhất trong nhận thức và hành động, coi nhiệm vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên quan trọng cho phát triển. Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ về tài nguyên và môi trường theo nguyên tắc thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm.

Phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và xây dựng nông thôn mới. Bảo vệ, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, thúc đẩy cơ chế hợp tác, chia sẻ tài nguyên nước xuyên biên giới. Điều tra, đánh giá tổng thể về tài nguyên khoáng sản. Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường biển. 

Chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nâng cao tính thích ứng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là ở khu vực miền Trung. Phát triển khí tượng thủy văn tương xứng với vai trò là một bộ phận quan trọng, cung cấp thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chính sách, cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp. 

Về thi đua, khen thưởng, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, cần quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến tạo sự lan tỏa trong Ngành cũng như trong toàn xã hội. 

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thu được nhiều kết quả, thành tích xuất sắc hơn nữa, thiết thực hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chúc các đồng chí, quý đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Trong giai đoạn 2015-2020, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Bộ trưởng Bộ TN&MT phát động, nhiều tập thể, cá nhân của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được tặng các phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt những tập thể, cá nhân thuộc các lĩnh vực của ngành trong giai đoạn qua đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các công việc được giao và đã có những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn mới, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước cũng đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gồm: Ông Hoàng Mạnh Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Ông Đào Đức Hưởng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền  Nam.

Khương Trung