Tiền Giang: Ai “chống lưng” để những bến thủy nội địa hoạt động "chui"?

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:27, 27/11/2020

(TN&MT) - Suốt thời gian dài, người dân tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) rất bức xúc trước tình trạng các bến thủy nội địa tập kết, kinh doanh cát, vật liệu xây dựng (VLXD) hoạt động “chui”, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, làm đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh.

Gần chân cầu Kinh Năng, sà lan neo đậu ngang dọc, bất ổn về giao thông thủy

Ô nhiễm, mất an toàn giao thông

Theo phản ảnh của người dân địa phương, trên tuyến đường Đông Kinh Năng (đoạn kế cầu Kinh Năng), thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Phước có nhiều doanh nghiệp kinh doanh VLXD làm ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Xe ben, xe tải chở đầy ắp lưu thông trên đường tỉnh 866B làm rơi vãi các loại vật liệu như đất, đá, cát xuống đường. Các tuyến đường nơi đây phải “oằn mình” gánh chịu, cùng với đó là trình trạng ô nhiễm, ồn ào diễn ra suốt ngày.

Trong khi đó, những năm qua, người dân đã trực tiếp phản ảnh, đồng thời nhiều lần gửi đơn “cầu cứu” đến các ngành, các cấp trong tỉnh Tiền Giang nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Các cơ sở VLXD thì ngày càng hoạt động mạnh thêm. Tiếng ồn và bụi bặm, đặc biệt là cần cẩu quăng cát, đá lên bãi, lên xe rất nguy nhiểm cho người dân mỗi khi qua lại.

Chị Lê Thị Hà (ngụ tại ấp 4, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước) cho biết, liên tục nhiều năm qua, chị phải sống chung với bầu không khí đầy bụi khói, tiếng ồn và đường sá sình lầy do các bãi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng tại đây. Vì có con nhỏ đang vào tuổi ăn học, phải đưa rước nên chị Hà đành phải đóng cửa nhà đi thuê nơi khác để ở cho đảm bảo an toàn. 

Người dân bức xúc trình bày với phóng viên

Còn chị Lê Thị Phượng (ngụ ấp 5, xã Tân Lập 1), là chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa, đồ điện gia dụng bên lề đường tỉnh 866B thì cho rằng, đã 7 năm rồi, gia đình chị cũng sống chung với bụi, khói do đoàn xe tải ra vào các bãi cát đá, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh và đời sống gia đình. “Không chịu nỗi tình cảnh này, hơn 5 năm qua, tôi liên tục vác đơn đến “gõ cửa” các ngành chức năng và UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị xử lý nhưng chưa được giải quyết triệt để” - chị Hà bức xúc nói.

Theo quan sát của phóng viên, trên đoạn đường chỉ khoảng hơn 500m bên bờ Kinh Năng, xã Tân Lập 1, đã có đến 4 doanh nghiệp lập bến bãi tập kết, kinh doanh cát, VLXD gồm: Hữu Đức, Hoàng Minh, Hương An Khang, Đại Phước Thành. Hàng ngày, xe tải đủ kích cỡ ra vào thường xuyên để chuyên chở VLXD. Mỗi ngày, nơi đây có hơn chục sà lan có trọng tải hàng trăm tấn neo đậu bốc xếp cát, đá lên bãi; hàng trăm lượt xe tải ra vào vận chuyển VLXD đi các nơi.

Tuyến đường bờ Đông Kinh Năng - phục vụ đi lại của người dân nơi đây đã bị các đống cát “khủng” lấn chiếm gây cản trở lưu thông. Sau cơn mưa, mặt đường lầy lội, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt, khi bốc xếp hàng hóa, các cây cần cẩu đưa ra đưa vào mặt đường không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Riêng đoạn kênh gần chân cầu Kinh Năng, sà lan thường xuyên neo đậu, nằm ngang dọc, cũng tạo bất ổn về giao thông đường thủy…   

Khu vực dân sinh, nhưng người dân luôn chịu cảnh khói bụi, sình lầy bởi những bến bãi VLXD

Bến bãi hoạt động “chui”?

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước thừa nhận đã biết các bãi VLXD  này từ lâu gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người dân lân cận. Mới đây, UBND xã đã cử đoàn đến kiểm tra và lập biên bản 3/4  bãi VLXD lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy, bộ, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này phải khắc phục ngay hiện trạng.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh VLXD này hoạt động đúng quy định, vào giữa năm 2016, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang đã cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tại vị trí bờ trái của Kênh Năng, thuộc ấp 4 xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước nhằm mục địch neo đậu phương tiện lên xuống VLXD. Thời gian cho phép 6 tháng, đến cuối năm 2016 là hết hạn hoạt động.

Sau khi hết thời hạn cho phép nhưng các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động, người dân phản ảnh. Tại buổi tiếp công dân định kỳ vào ngày 28/9/2018, ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang có ý kiến: “Các bến thủy nội nội địa trên tuyến Kênh Năng, địa bàn xã Tân Lập 1 trước đây do UBND huyện Tân Phước quản lý và cấp phép, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ GTVT các bến thủy mới chuyển cho ngành GTVT quản lý. Hiện, Sở GTVT không cấp giấy phép hoạt động các bến thủy nội địa tại khu vực Kênh Năng”.

Tuyến đường nơi đây luôn xảy ra trình trạng ô nhiễm, mất an toàn giao thông

Tuy nhiên, dù không có phép hoạt động bến thủy nội địa hợp pháp, nhưng 4 doanh nghiệp, gồm: Hữu Đức, Hoàng Minh, Hương An Khang, Đại Phước Thành vẫn thản nhiên hoạt động rầm rộ trước sự phẫn nộ của người dân. Điều đáng nói ở đây là, vào giữa năm 2020, các doanh nghiệp này lại được ông Phan Vĩnh Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang ký văn bản cho phép sử dụng vùng nước bên bờ trái Kênh Năng “để neo đậu tạm phương tiện thủy nội địa”, với thời gian đến giữa năm 2021.

Về việc này, làm việc với phóng viên Báo TN&MT, Phó Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, ông Phan Vĩnh Thanh thừa nhận nơi đây chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Sở GTVT chỉ cấp phép neo đậu tạm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và để phát triển kinh tế địa phương (!?). 

Ông Thanh cũng khẳng định, theo quy định thì đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên đây không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa để bốc dỡ hàng hóa. Trước phản ánh của người dân, Sở GTVT Tiền Giang sẽ chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành tiến hành kiểm tra nếu phát hiện các bến bãi không đảm bảo an toàn thì sẽ cho rút giấy phép neo đậu tạm. 

Hiện, dư luận đặt câu hỏi: Liệu có sự “bao che”, “chống lưng” nên tồn tại suốt nhiều năm những bến thủy nội địa không phép ngang nhiên “lộng hành”, xem thường pháp luật đến vậy? Và người dân nơi đây cũng mong rằng, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang cần xử lý đến nơi đến chốn, tránh chậm trễ kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống, mất lòng tin trong dân.

Việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy bộ, gây khói bụi, tiếng ồn do các doanh nghiệp kinh doanh VLXD tại đường Đông Kinh Năng, xã Tân Lập 1 gây ra, thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã nhiều lần tổ chức họp với các ngành và chính quyền địa phương để giải quyết nhưng đến nay vẫn tái phạm. Chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang là sẽ quy hoạch địa điểm khác để cho các doanh nghiệp di dời bến bãi này. Tuy nhiên, đến nay công việc này vẫn chưa được tiến hành. 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn dọc về vụ việc trên.

Bạch Thanh