Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:45, 27/11/2020

(TN&MT) - Thực hiện hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chiều ngày 27/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành tài nguyên và môi trường lần IV, giai đoạn 2020-2025.

Các vị đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV

Tham dự Đại hội về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Khi đua – Khen thưởng Trung ương.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà; nguyên Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên; nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang; các Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường trong cả nước.

Tham dự Đại hội có sự góp mặt đông đủ của 85 gương điển hình tiên tiến của ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2015-2020.

Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tiếp nối truyền thống tự hào của Ngành

Phát biểu Khai mạc Đại hội, thay mặt toàn ngành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và chỉ đạo Đại hội. Sự có mặt của Phó Chủ tịch nước thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành TN&MT, là niềm vinh dự của hơn 35.000 cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành TN&MT.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 2015-2020, mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành TN&MT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn.

Tuy nhiên, các phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy sức sáng tạo trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược, với tư duy đột phá nhất là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH. Các vướng mắc, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật, quy hoạch quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản được giải quyết; thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản lý tổng hợp tài nước, tài nguyên biển, đo đạc bản đồ kiến tạo cho phát triển.

Thông qua các hoạt động thi đua, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy trong toàn ngành với nhiều sáng kiến ở quy mô toàn cầu, khu vực về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với BĐKH, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, Đại hội đồng GEF. Khoa học và công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám được ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu Khai mạc Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV

“Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, lan tỏa sâu rộng với nhiều điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, công trình khoa học có giá trị trong đời sống thực tiễn; nhiều cá nhân đạt giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.” - Bộ trưởng khẳng định.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ lòng biết ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các Bộ, Ban, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở từng vị trí công tác đã nỗ lực, thi đua để góp phần làm nên những thành tựu chung của ngành, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước và mong rằng tinh thần này sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, chúng ta càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sức sáng tạo góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV có ý nghĩa hết sức quan trọng với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.

“Đại hội lần này cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn ngành. Đồng thời, khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tiếp nối truyền thống đáng tự hào của Ngành, phát huy tối đa tinh thần đổi mới, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện tốt Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để Ngành có đóng góp xứng đáng hơn nữa vào hiện thực hóa các mục tiêu và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045. “ – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Ngành TN&MT nâng cao năng lực, đáp ứng xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ 2015-2020

Báo cáo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; phát động nhiều phong trào thi đua thường xuyên và chuyên đề. Thông qua phong trào thi đua, ngành tài nguyên và môi trường đạt được được các kết quả quan trọng, thể hiện qua các mặt công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tổng kết tại Đại hội

Kiến tạo thể chế, chính sách, pháp luật nhằm xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Đã rà soát, đánh giá thực tiễn, trình ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ ngay những vướng mắc về quản lý tài nguyên, phục vụ hiệu quả cho phát triển; thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp TN&MT. Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Hoàn thành tổng kết, sơ kết 03 nghị quyết quan trọng của Đảng về đất đai, biển đảo và ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT; trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về PTBV kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

Triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Trong 3 năm 2016 - 2019, toàn Ngành đã tiến hành hơn 7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra qua đó kiến nghị thu hồi gần 17 nghìn ha đất, truy thu hơn 368 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng (riêng năm 2018, xử phạt vi phạm hanh chính 116 tỷ đồng, thu hồi 695 ha đất).

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; qua đó, số lượng đơn thư giảm trung bình 9,0%/năm. Các vụ việc khiếu kiện bức xúc, điểm nóng phức tạp được kiểm tra, xác minh giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong quản lý và chỉ đạo điều hành. Bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Nỗ lực cắt giảm thời gian thực hiện các TTHC về đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là ở các địa phương đã nâng chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản lên mức xếp hạng 60 trong 190 nước được đánh giá.

Thưc hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% TTHC chính của Bộ, cho người dân, doanh nghiệp, trong đó, có nhiều dịch vụ công mức độ 4 hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 và hoàn thành trước 06 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019 -2020. Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2019 của Bộ tăng 09 bậc so với năm 2016.

Tổ chức bộ máy của Bộ tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó đã giảm 189 tổ chức cấp phòng trở lên; tinh giản 677 công chức, viên chức; có thêm 16 đơn vị sự nghiệp chuyển sang tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên. Đội ngũ công chức viên chức được sắp xếp theo vị trí việc làm, từng bước được củng cố, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ động tham gia vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác song phương huy động được nhiều nguồn lực, kinh nghiệm, tri thức về quản lý TN&MT. Đóng góp nhiều sáng kiến quy mô toàn cầu, khu vực về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với BĐKH, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đã thúc đẩy công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong toàn ngành; nhiều công trình, đề tài nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện của các địa phương, vùng miền trên cả nước; phát hiện, bồi dưỡng nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc. Đổi mới, sáng tạo đã được thúc đẩy nhất là trong ứng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, quan trắc, cảnh báo, dự báo.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành tài nguyên và môi trường lần thứ IV

Các nguồn tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từng bước quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh.

Tập trung giải quyết những vướng mắc đặt ra từ thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013; chỉ đạo hoàn thành việc lập, phê duyệt điều chỉnh sử dụng đất đồng bộ ở 3 cấp. Đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển KT-XH; đã đưa hơn 63 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển KT-XH; chuyển dịch gần 76 nghìn ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị. Tình trạng sử dụng lãng phí đất đai được khắc phục căn bản, xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30 nghìn ha. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400 nghìn ha.

Thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất, chiếm 12%-15% thu ngân sách nội địa hàng năm, trong đó năm 2019 đạt 192 nghìn tỷ đồng gấp gần 2,2 lần năm 2015. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất thu hồi, nhất là người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp góp phần giảm khiếu kiện. Hoàn thành việc cấp GCN đối với 97,36% diện tích cần cấp.

Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 185 huyện, quận; 8 tỉnh, thành phố đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao.

Tài nguyên nước đang được quản lý, sử dụng bền vững, an ninh nguồn nước được chú trọng. Trước các thách thức về an ninh nguồn nước đang trở nên ngày càng cấp bách, đã chỉ đạo triển khai điều tra tài nguyên nước của cả nước và lưu vực sông; lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các lưu vực sông.

Thực hiện quản lý tài nguyên nước theo các lưu vực sông lớn; nghiên cứu giai pháp tích trữ nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện quy định về hạn chế khai thác nước dưới đất; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung tất cả các quy trình về vận hành liên hồ chứa, tổ chức giám sát việc vận hành, điều tiết nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, giảm thiểu thiệt hại trước tình trạng hạn hán kéo dài. Kiểm soát ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, thực hiện các giải pháp tổng thể để xanh hoá các dòng sông.

Đẩy mạnh kinh tế hóa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến nay đạt 9.354 tỷ đồng (địa phương phê duyệt là 213 tỷ). Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội Mê Công quốc tế, đã thúc đẩy lồng ghép được các ưu tiên trong chia sẻ nguồn nước, đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ nguồn gắn với các mục tiêu PTBV.

Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đạt được nhiều thành tựu mới, tiềm năng khoáng sản, giá trị về địa chất từng bước được chuyển hoá thành các nguồn lực. Đã hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 cho 70% diện tích phần đất liền lãnh thổ Việt Nam và ở tỷ lệ 1:500.000 đối với khoảng 40% tổng diện tích vùng biển Việt Nam. Qua đó, đã xác định tiềm năng một số loại khoáng sản lớn urani Quảng Nam, đồng Kon Tum, vàng, thiếc, wonfram và khoáng chất công nghiệp vùng Tây Bắc,... để thăm dò, khai thác, đóng góp cho phát triển KT-XH, chuyển hoá thành nguồn lực với đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước bình quân mỗi năm khoảng 5.000 tỷ đồng.

Phát hiện nhiều di sản địa chất với nhiều nét đặc trưng được ghi danh trên bản đồ địa chất toàn cầu (Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, công viên địa chất Đắk Nông). Các nghiên cứu về tai biến địa chất đã dự báo các nguy cơ sụt lún, sạt lở để chuyển giao cho các địa phương phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH, phát triển không gian ngầm.

Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng được chú trọng. Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển cho phát triển KT-XH của đất nước. Xây dựng trình Chính phủ Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược PTBV kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trình Thủ tướng phê duyệt 11 đề án, nhiệm vụ về điều tra cơ bản, tăng cường nghiên cứu biển, quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển và hải đảo. Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về biển, nhất là trong xây dựng đội tàu khảo sát nghiên cứu biển, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu TN&MT biển.

Thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Từng bước thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển để đảm bảo không gian cho cong đồng.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về giao khu vực biển, nhận chìm ở biển,... để thúc đẩy khai thác tiềm năng cho phát triển kinh tế biển, các vùng biển. Đã hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư, một số tỉnh, thành phố đã trở thành cực tăng trưởng mới như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,...

Công tác quản lý, BVMT đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, đặt môi trường vào vị trí trung tâm của PTBV, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân, thiết lập hàng rào kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn để BVMT trước thách thức ngày càng lớn của sự gia tăng các nguồn thải, dân số và các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chủ động kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng trung bình 6%/năm; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%; tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 89%; số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%, đã triển khai các mô hình tái chế rác thải sinh hoạt thay cho chôn lấp. Thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với Bộ. Tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong phòng chống rác thải nhựa.

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng khí tượng thủy văn để chủ động trong sản xuất và ứng phó giảm thiểu tác động của thiên tai. Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đã từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng tự động hóa. Trong giai đoạn 2015 - 2020, mạng lưới trạm đã được phát triển thêm 647 trạm/công trình/phương tiện đo KTTV; từng bước hình thành hệ thống thông tin chuyên ngành hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo hạn dài, hạn ngắn đủ độ chi tiết.

Dự báo sát, kịp thời diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan, thiên tai khí tượng thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các Bộ, ngành địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, đặc biệt năm 2018 giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017; năm 2019 nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trong nhất trong lịch sử (thời gian xâm nhập mặn kéo dài gấp từ 2-2,5 lan, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn so với năm 2016). Tuy nhiên, mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu đặc biệt là sản xuất nông nghiệp so với năm 2016.

Chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không ngừng được nâng cao như nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, áp thấp nhiệt đới đến 3 ngày; dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2 đến 3 ngày với độ tin cậy 80 đến 90%, các bản tin thiên tai khác như: Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn... cũng ngày càng chi tiết hóa và đạt độ tin cậy cao hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Chủ động đề xuất các biện pháp tổng thể, dài hạn nhằm chủ động ứng phó với BĐKH. Tổ chức thành công Hội nghị về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP với tầm nhìn 100 năm và tư duy đột phá biến thách thức thành cơ hội phát triển, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với vùng TP. Hồ Chí Minh và tiểu vùng Mê Công; trên cơ sở đó nghiên cứu nhân rộng mô hình phát triển bền vững ở các vùng thường xuyên chịu tác động của BĐKH.

Chủ động trong triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, các hành động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên phạm vi cả nước. Hoạt động hợp tác quốc tế về BĐKH ngày càng được đẩy mạnh, nâng cao vị thế của quốc gia trong nỗ lực ứng phó với biến đổi toàn cầu. Thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), các Bộ, ngành đã xây dựng được trên 300 hành động chính sách liên quan đến ứng phó với BĐKH. Tổ chức tốt hoạt động đàm phán để Việt Nam tham gia ký kết các điều ước quốc tế quan trọng về BĐKH.

Đặt nền móng cho số hoá hệ thống thông tin địa lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát TN&MT. Lần đầu tiên hoạt động đo đạc và bản đồ được quản lý thống nhất bằng Luật, thúc đẩy ứng dụng các thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; làm nền tảng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống trạm Cors cung cấp các dịch vụ định vị vệ tinh chính xác trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình; hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển; hoàn chỉnh Hệ quy chiếu, hệ tọa độ quốc gia Việt Nam. Công tác biên giới đã đạt được những kết quả quan trọng đóng góp vào sự ổn định chính trị, xây dựng biên giới hòa bình giữa Việt Nam với các nước láng giềng, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Công nghệ viễn thám hiện đại được áp dụng đang dần trở thành một công cụ quan trọng cho việc đánh giá và quản lý tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh quốc phòng. Thường xuyên giám sát các khu vực nhạy cảm, thực hiện việc giám sát biến động nguồn nước, giám sát các biến động khu vực biên giới quốc gia, các đảo xa bờ. Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sở dữ liệu TN&MT, tạo cơ sở cho việc công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia, tạo thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ cho phát triển KT-XH.

Các phong trào thi đua yêu nước đã thúc đẩy, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành TN&MT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước; động lực cho giai đoạn phát triển giai đoạn 2020 - 2025./.

Khương Trung