Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020: Cam kết thực thi những sáng kiến giảm rác thải nhựa
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:37, 26/11/2020
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị |
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Thứ trưởng Lê Minh Ngân bày tỏ niềm vinh hạnh khi Việt Nam được cùng với Cơ quan điều phối các Biển Đông Á (COBSEA), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UN Environment), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chính phủ Thụy Điển tổ chức Hội nghị quốc tế các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, qua 2 ngày làm việc vừa qua của Hội nghị, chúng ta một lần nữa lại có thể khẳng định rằng chất thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đang được xem là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đại dịch Covid-19 khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải có cách tiếp cận mang tính hệ thống và có tính toàn cầu theo chuỗi giá trị của nhựa để giải quyết triệt để vấn đề nhựa, bắt đầu từ nguồn trên đất liền ra đến biển. Cần có sự tham gia của tất cả các khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức của người dân để cùng làm việc và phối hợp các nỗ lực để giải quyết thách thức này.
Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) đã đi đến Phiên cuối cùng. Tham dự Hội nghị, chúng ta đều có chung một nhận thức rằng ô nhiễm chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở phạm vi mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu và do vậy, cần phải cùng nhau hành động cấp bách, tìm ra các giải pháp hữu hiệu và áp dụng để đối phó với tình trạng ô nhiễm hiện nay và trong tương lai.
“Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị bằng hình thức trực tuyến với 4 Phiên toàn thể và 10 Phiên chuyên đề, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận những giải pháp ở nhiều quy mô và cấp độ khác nhau, từ chính sách, công nghệ, nguồn lực con người và tài chính, và cả các cách thức hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức trong và ngoài khu vực” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá: "Dù Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến nhưng tôi nhận thấy vẫn thu hút được đông đảo các quý vị đại biểu đăng ký tham dự từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cùng với thành phần tham dự rất đa dạng ở trong và ngoài khu vực, từ những nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Trong các Phiên họp, quý vị đại biểu đã tích cực tham gia trao đổi, thảo luận trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn và thiết thực góp phần tạo nên thành công của Hội nghị lần thứ hai này".
Với vai trò là quốc gia đồng chủ trì, Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng rất vinh dự đã được đóng góp vào thành công đó. Thứ trưởng Lê Minh Ngân tin tưởng rằng, kết quả của Hội nghị sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện nghiêm túc những cam kết của mỗi quốc gia trong các diễn đàn khu vực và toàn cầu đối với vấn đề giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Minh Ngân tái khẳng định một lần nữa Việt Nam ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là quá trình đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Caitlin Wiesen Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong thời gian gần dây. Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đánh dấu một mốc quan trọng trong khung chính sách quốc gia và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam.
Ở cấp độ địa phương, UNDP Việt Nam cũng đang thấy nhiều sáng kiến lớn chưa từng có ở các chính quyền tỉnh và các tổ chức xã hội dân sự đang sẵn sàng để hành động. UNDP Việt Nam tin vào cách tiếp cận hệ thống và tổng hợp nhằm ứng phó ô nhiễm nhựa. Không có giải pháp nào có thể đơn độc giải quyết vấn đề cấp bách nhất của chúng ta hiện tại. Trong ba ngày sự kiện này, chúng ta có cái nhìn tổng quan về những việc cần làm ở cấp chính sách, khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần có giải pháp từ tất cả các bên, và cần kết hợp các giải pháp đó để giảm thiểu ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả nhất.
“Đây là lý do tại sao tại UNDP Việt Nam, chúng tôi tích cực hỗ trợ phát triển chính sách và hoạt động ở cấp cơ sở với các đối tác như Hội liên hiệp Phụ nữ, nhóm lao động thu gom rác thải phi chính thức và nhóm thanh niên, để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. UNDP Việt Nam cũng liên kết các ngành công nghiệp và doanh nghiệp để chuyển giao sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ họ nhân rộng các giải pháp sáng tạo”- bà Caitlin Wiesen nói!
Toàn cảnh Hội nghị |
Bà Caitlin Wiesen cũng thể hiện quan điểm: Chống rác thải nhựa đại dương đồng nghĩa với việc chúng ta đang đóng góp vào một nền kinh tế biển bền vững. Đây là nội dung chính mà UNDP đang làm việc cùng Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Na Uy cho hội nghị cấp cao quốc tế về Kinh tế biển bền vững và Thích ứng với Biến đổi khí hậu “Giải pháp cho nền kinh tế xanh thích ứng với khí hậu”, dự kiến tổ chức vào năm 2021. UNDP sẵn sàng làm việc cùng các bên để tìm thêm các giải pháp, tìm kiếm nguồn tài trợ, nhân rộng các sáng kiến nhằm giảm thiểu nhựa và hướng tới phát triển bền vững. UNDP Việt Nam thấy một cơ hội lớn cho Việt Nam và đối tác trong khu vực để thay đổi, từ một trong những nước có ô nhiễm nhựa nghiêm trọng nhất thế giới để trở thành một trong những khu vực dẫn đầu trong các sáng kiến giải quyết rác thải nhựa. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn, để cứu hành tinh cho chúng ta, và hướng tới phát triển bền vững.
Lễ khởi động Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương được thực hiện với sự tham gia của Tổ chức WWF tại Việt Nam là một cam kết mạnh mẽ, nhằm triển khai thực tế hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
Đại diện WWF cho biết, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do WWF tài trợ sẽ được triển khai tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố, bao gồm: A Lưới (Thừa Thiên -Huế); Đà Nẵng; Đồng Hới ( Quảng Bình); Hà Tĩnh; Long An, Rạch Giá (Kiên Giang); Tuy Hòa (Phú Yên) và 3 khu bảo tồn biển là Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển nâng cao kiến thức cộng đồng xã hội về mối liên quan giữa việc xả rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý thực hiện các hoạt động liên quan đến chất thải, rác thải nhựa địa dương.
Chương trình đã được thực hiện với 4 hợp phần: Truyền thông; Chính sách quản lý chất thải rắn; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Đô thị giảm nhựa và Khu bảo tồn biển. Đây là hành động thiết thực để chung tay thay đổi hành vi của cộng đồng cũng như gắn kết vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, của toàn xã hội với việc giải quyết rác thải nhựa đại dương.