Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020

Kinh tế - Ngày đăng : 13:09, 26/11/2020

(TN&MT) -Ngày 26/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí Logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Dự Chương trình có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cùng với hơn 400 doanh nghiệp dịch vụ logistics, kinh doanh vận tải...

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Nhìn chung, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành. Riêng đối với dịch vụ logistics, các Hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: (i) cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; (ii) cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Diễn đàn

Do đó, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", sẽ có 02 Hội thảo chuyên đề tập trung hơn về những nội dung quan tâm gồm: Một là, Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội; Hai là, Chuyển đổi số trong logistics.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Chính vì vậy, thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam,  mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước đối thoại với các Bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, để có thể thay đổi về “chất” phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mang lại.

 

 Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng do đại dịch covid-19, ngày 08 tháng 6 năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hay còn gọi là Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phê chuẩn tại phiên họp của kỳ họp thứ 9 với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và có hiệu lực đi vào thực thi từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.  Có thể nói, Hiệp định EVFTA có hiệu lực mang một ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và EU, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Mới đây, ngày 15 tháng 11 năm 2020, 15 nước thành viên đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

 Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, giảm thuế về 0%, RCEP lại hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, tạo thuận lợi hóa thương mại và kết nối sản xuất hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Do đó, RCEP sẽ là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế. Vì vậy, RCEP có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà cả khối ASEAN nói chung.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 ước đạt 439,8 tỷ USD đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ước tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu đạt 9,3 tỷ USD). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2019, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).

 

 

 

Kông Nguyên