Cổ phần hóa DNNN: Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài nguyên đất đai

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 11:41, 26/11/2020

(TN&MT) - Phương án sử dụng đất là một trong những hồ sơ doanh nghiệp cổ phần hóa (DN CPH) phải hoàn thiện trong phương án CPH để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, những hạn chế trong các quy định về việc xử lý tài chính là đất đai khi CPH hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Các quy định về CPH và việc xử lý tài chính là đất đai khi CPH hiện còn một số hạn chế, bất cập, là những kẽ hở rất dễ bị lợi dụng gây thất thoát tài nguyên đất đai. Ảnh minh họa

Nhiều kẽ hở

Trong bài viết gửi tới hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” mới đây, ông Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra KTNN nhấn mạnh, các quy định về CPH và việc xử lý tài chính là đất đai khi CPH hiện còn một số hạn chế, bất cập, là những kẽ hở rất dễ bị lợi dụng gây thất thoát tài nguyên đất đai trong quá trình CPH DNNN.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, giá trị đất đai đưa vào quá trình CPH DNNN không bao gồm đất thuê của nhà nước, kể cả trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Hơn nữa, không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan tới địa điểm vào giá trị đất thuê. Đây là một kẽ hở về giá trị liên quan tới đất đai mà các DNNN được quyền thuê của Nhà nước. Về mặt kinh tế, vị trí đất đai là yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị đất đai trong sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước chỉ giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất ở, còn lại phải chuyển sang hình thức thuê đất của Nhà nước. Như vậy, đất thuê của Nhà nước gắn với lợi thế của địa điểm kinh doanh đang tạo lực hút lớn đối với các nhà đầu tư chiến lược hoặc những DN tư nhân đang muốn nắm cổ phần chi phối đối với các DN cổ phần hình thành từ CPH DNNN. Nhiều DN đang được giao quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại có giá trị DN rất thấp. Hậu CPH, các cổ đông có thể hưởng một khoản chênh lệch lớn nếu như DN được cấp quyền sử dụng đất và lợi thế quỹ đất này chắc chắn rơi vào túi cá nhân. Như vậy, CPH mà không định giá giá trị sử dụng đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Mặt khác, theo ông Dương Quang Chính, qua thực tế công tác xác định giá trị DN hiện nay cho thấy, chưa có quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất trong trường hợp đã được đồng ý về mặt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án công trình hỗn hợp nhà ở thương mại, nhưng tại thời điểm có quyết định chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần mới được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thực tế, dự án được phôi thai từ khi còn là DNNN, đã được ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác để thực hiện dự án, xác định được lợi ích của các bên được hưởng từ việc hợp tác đầu tư. Việc hợp tác đầu tư cũng đã được các cơ quan chức năng chấp thuận.

Vậy vấn đề đặt ra lợi ích này thuộc về Nhà nước hay công ty cổ phần? Theo ông Dương Quang Chính, rõ ràng toàn bộ quá trình thực hiện đầu tư thuộc giai đoạn DNNN, giá trị vốn góp trong hợp tác kinh doanh chính là giá trị từ đất đai Nhà nước mang lại. Tuy nhiên, khi xác định giá trị DN chưa đủ cơ sở để đưa vào giá trị DN do chưa có quyết định cho phép chuyển đổi. Đất đai là sở hữu nhà nước, giá trị lợi thế đất đai mang lại chính là tài sản nhà nước. Do chưa có cơ chế để xử lý, từ việc quy định không rõ ràng này đã làm Nhà nước mất đi một khoản lợi ích không nhỏ từ đất đai và giá trị này được chuyển từ Nhà nước sang tư nhân.

Theo quy định, “Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất được giao) quy định và công bố tại thời điểm tính giá đất vào giá trị DN CPH theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp giá đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp”.

Tuy nhiên, ông Dương Quang Chính cho rằng, thực tế, giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hiện nay thường thấp hơn nhiều so với giá thực tế giao dịch trên thị trường. Nhưng để xác định được giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất sát với trên thị trường để xác định lại giá đất là một vấn đề rất khó, mang tính chủ quan. Nếu không có cơ chế, quy định rõ việc sử dụng giá thị trường như thế nào sẽ dẫn đến việc giá được áp dụng không sát với giá thực tế, từ đó gây thất thoát giá trị đất đai lẽ ra thuộc tài sản Nhà nước.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tiến độ CPH trong giai đoạn này diễn ra chậm một phần do việc CPH, thoái vốn có một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Tổng công ty Lương thực miền Bắc phải làm việc với 22 đơn vị đang sở hữu gần 250 mảnh đất tại 25 địa phương; VINACHEM hiện có 2 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ, 2 đơn vị sự nghiệp, 3 DN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý nhiều đất đai tại các địa phương; VNPT có hàng nghìn mảnh đất trên 63 tỉnh, thành; Agribank có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2 trên cả nước, nguồn gốc đất lại đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Ông Vũ Đình Ánh thừa nhận, hiện nay, khó khăn lớn nhất trong công tác CPH DNNN là về đất đai. Do vậy, giải pháp chống thất thoát đất công cần tập trung xem xét các quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao cho DN để xem xét tính hiệu quả, đồng thời có biện pháp thu hồi lại phần đất đã giao cho DN nhưng không được sử dụng trước khi CPH; bổ sung các chế tài đối với việc DN làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng.

Nhiều DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố cũng là nguyên nhân làm quá trình CPH DN bị chậm. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thay vì quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau CPH và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai; thì nên quy định, trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất sau CPH. Trường hợp quá thời hạn 60 ngày làm việc mà UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có ý kiến, cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian công bố giá trị DN.

Về phương án sử dụng đất sau CPH, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, cần tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất sau CPH của DN CPH. Bổ sung quy định hướng dẫn điều kiện CPH phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, căn cứ vào phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của DN sau khi CPH và thời điểm xác định giá trị DN để xây dựng phương án sử dụng đất sau CPH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phương án sử dụng đất sau CPH phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển DN. Trường hợp đề xuất sử dụng đất của DN chưa phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và không đúng mục đích sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thì DN phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.

9 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt phương án CPH 07 đơn vị, công bố giá trị DN Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN. Lũy kế giai đoạn 2016-9/2020, có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.537 tỷ đồng. Trong đó, 38/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số DN còn phải thực hiện công bố giá trị DN đến hết năm 2020 là 89 DN. Tiến độ CPH đang bị đánh giá là rất chậm so với kế hoạch đặt ra.

Lưu Nguyên Sơn