Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:52, 26/11/2020
Điểm đột phá lớn nhất trong luật
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường. Thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa, trong đó, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Luật đã định chế nội dung sức khỏe môi trường, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.
Luật đã bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ môi trường không khí, môi trường nước. Ảnh: MH |
Luật lần này đã có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá. Cụ thể, đối với Giấy phép môi trường, một sự cải cách hành chính chưa từng có, 7 nội dung đưa vào 1 Giấy phép môi trường giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được các quy trình, thủ tục so với trước đây, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính 1 cách đáng kể. Đối với quản lý chất thải, chưa bao giờ chúng ta thu phí theo khối lượng xả ra, luật này đưa ra vấn đề thu phí theo khối lượng rác - đây là một cái mới có tính tích cực. Góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.
Đối với vấn đề xã hội và dư luận rất quan tâm đó là phương pháp đánh giá tác động môi trường. Quy trình đánh giá tác động môi trường là sàng lọc và phân loại dự án, với những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, Luật đã đưa ra những quy định đề đánh giá một cách thận trọng, cân nhắc trên nhiều tiêu chí về môi trường. Với những điểm đột phá này, các thủ tục, hồ sơ sẽ giảm khoảng 50% thời gian giải quyết. Điều này mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng. Cái quan trọng cuối cùng là chất lượng môi trường chắc chắn được kiểm soát.
Bên cạnh đó, Luật đã đưa vào nhiều nội dung mới lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Với 443/466 đại biểu tán thành thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cho thấy, những mục tiêu cải cách đột phá trong Luật đã được các đại biểu Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ. Đặc biệt là hai điểm quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là “Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, “bảo đảm mọi người đều có quyền được sống trong môi trường trong lành”, các đại biểu Quốc hội tin tưởng những cam kết của Chính phủ sẽ đi vào thực tiễn thông qua Luật lần này.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường. Ảnh: MH |
Sớm đưa vào thực tiễn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) rất quan trọng, cần đưa vào thực tiễn sớm để mọi tầng lớp nhân dân có thể được quyền hưởng môi trường trong sạch.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành cần khẩn trương triển khai thực hiện các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, nhất là cần tích cực, chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm lộ trình thực hiện một số nội dung theo đúng quy định của Luật. Với 171 điều, tập trung vào 12 nhóm chính sách cho thấy đây là một Luật lớn, đồ sộ và phức tạp. Vì vậy, việc triển khai tổ chức đương nhiên sẽ rất khó khăn.
Để tổ chức thực hiện những vấn đề mới trong Luật như thế nào cho hiệu quả, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản quy định chi tiết việc thi hành Luật như: Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn… và các văn bản này sẽ cùng có hiệu lực cùng đúng vào thời điểm hiệu lực của Luật vào 1/1/2022.
Cùng với đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Luật và các Văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật đến với doanh nghiệp và người dân. Để thực hiện luật, bên cạnh việc tổ chức, thể chế hóa ban hành văn bản thì vấn đề xây dựng các dự án khả thi và kiến nghị với Đảng, Nhà nước đưa vào trong chương trình ưu tiên để bố trí nguồn lực là rất quan trọng.
Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, người dân hoàn toàn có thể kỳ vọng vào luật này bởi quan điểm của luật này cũng là bảo vệ sức khỏe của người dân làm mục tiêu chung của dự thảo luật này.
|
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc:
Kỳ vọng cho công tác bảo vệ môi trường địa phương
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng sẽ giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn hiện nay về công tác bảo vệ môi trường, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc trong tương lai gần.
Trong đó, Khoản 3 Điều 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 (sớm hơn thời điểm Luật có hiệu lực 10 tháng) sẽ tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của tỉnh về những quy định chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư về thời điểm thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường để thuận lợi khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Luật cũng giải quyết được những chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi; điển hình như quy định việc tích hợp nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong Giấy phép môi trường.
Cùng với việc giải quyết các khó khăn vướng mắc do quy định chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và các pháp luật liên quan, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) có rất nhiều quy định mới, tiến bộ và tương thích với pháp luật và các thông lệ quốc tế, tiệm cận với các quy định về bảo vệ môi trường của các nước phát triển trên thế giới và các quy định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ về môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Ngay sau khi dự thảo Luật được thông qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành liên quan và UBND các cấp nghiên cứu xây dựng Đề án bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng lối sống xanh, thân thiện môi trường; tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là hạ tầng thiết yếu cho bảo vệ môi trường. Đồng thời, thực hiện đồng bộ với các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có các chỉ tiêu về môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
|
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT:
Phải tính đến “đầu ra” cho rác
Câu chuyện chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, nhất là ở các đô thị và kể cả khu vực nông thôn. Nguyên nhân là do rác thải ra môi trường quá nhiều, vượt giới hạn có thể xử lý của các đơn vị phụ trách. Vậy làm thế nào để tạo ra cơ chế để giảm thiểu lượng rác thải và nhận được sự đồng thuận của người dân?
Giải quyết vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, đã thay đổi về xử lý rác thải phải bắt đầu từ quan niệm coi chất thải không phải là thứ bỏ đi mà chất thải chính là đầu vào của sản xuất, được quay vòng lại nhiều lần và kéo dài tuổi thọ, như vậy sẽ giảm lượng phát thải ra môi trường và hướng đến giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây chính là định hướng theo kinh tế tuần hoàn. Ở Nhật Bản, người ta còn thu được khí CO2 để bón cho cây, tách SO2 làm axit…Như vậy, người ta đang đi đến quy trình zero emission, nghĩa là không phát thải. Vậy động lực ở đâu? Đó là đông lực kinh tế.
Bài học thất bại từ việc phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội trước đây cho thấy: chúng ta khi đó mới chỉ nghĩ đến việc phân loại rác mà không tính đến việc sẽ làm gì với nó. Vì vậy, sắp tới, để việc phân loại rác tại nguồn thành công, chúng ta cần có lộ trình, nhất là các địa phương phải thay đổi tư duy, nhận thức để có thể hình thành chuỗi phân loại, cung ứng.
Một điểm mới nữa về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật BVMT sửa đổi là tính phí xử lý rác thải dựa trên khối lượng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay, việc thu phí đồng đều giữa các cá nhân hay hộ gia đình đang tạo ra nhiều bất cập. Thứ nhất, đó là tính cào bằng, không phù hợp với thực tiễn là ai thải nhiều, ai thải ít, thậm chí người không thải cũng như nhau. Chính điều này khiến bản thân người xả rác không có ý thức, không thay đổi được hành vi. Thứ hai, thu như vậy không đủ kinh phí để đáp ứng cho việc xử lý, không đúng theo nguyên tắc thị trường.
Trong Luật BVMT sửa đổi, việc tính phí rác thải dựa trên khối lượng: ai xả nhiều phải trả nhiều tiền, ai xả ít nộp ít; còn Nhà nước đương nhiên có phần hỗ trợ.
Thế giới đang chuyển mình và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài. Với sự đồng tình của người dân, sự vào cuộc của doanh nghiệp và mong muốn của Nhà lãnh đạo, theo nghĩa là “vì mình”, tôi tin, chúng ta sẽ làm được.
|
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi:
Sớm xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật
Luật Bảo vệ môi trườngsửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 đã đưa ra khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế -xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính.
So với Luật BVMT 2014, Luật sửa đổi được bố cục lại, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác. Bên cạnh đó, đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của Dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án đã phù hợp với thực tiễn.
Với Luật BVMT sửa đổi lần này đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên để áp dụng trong thực tiễn cần có các quy định cụ thể về cách thức tổ chức, cơ chế giám sát về nội dung này.
Đặc biệt, Luật đã tích hợp 7 giấy phép môi trường trong 1 Giấy phép môi trường trong. Đây là bước thay đổi lớn nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rườm rà cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình giám sát công tác bảo vệ môi trường. 07 loại Giấy phép môi trường gồm: (1) Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; (2) Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; (3) Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; (4) Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; (5) Giấy phép xả khí thải công nghiệp; (6) Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước); (7) giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi).
Để Luật Bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả trong thực tế, Sở TN&MT Quảng Ngãi sẽ xây dựng kế hoạch triển khai, thi hành Luật sữa đổi để kịp thời phổ biến, hướng dẫn cho các sở, ban, ngành và địa phương sắp xếp lại bộ máy để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
|
Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An:
Tạo điều kiện tốt trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại địa phương
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Trong điều kiện nguồn nhân lực và vật lực của địa phương còn hạn chế, sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc giám sát hoạt động BVMT, kịp thời phản ánh khi có ô nhiễm phát sinh tại địa phương sẽ là nguồn thông tin, dữ liệu hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý về môi trường, kịp thời xử lý để không phát sinh điểm nóng.
Luật cũng có quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng không khí bị ô nhiễm, tạo tiền đề cho việc triển khai thí điểm hệ thống cảnh báo chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Long An trên cơ sở 03 trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại các xã: Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa), thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức) và Trường Bình (huyện Cần Giuộc).
Luật còn quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Quy định này tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý rác thải tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và chắc chắn sẽ góp phần tạo nên thành công cho công tác triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP. Tân An, tiến tới nhân rộng trong toàn tỉnh Long An.
Việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp các giấy phép hậu đánh giá tác động môi trường trong Giấy phép môi trường sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực đầu tư, giảm áp lực quản lý hành chính, tập trung nguồn lực cho các vấn đề môi trường bức xúc tại địa phương; đồng thời, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
|
TS Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-tech Việt Nam:
Cần quyết liệt, đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Rác là thứ phát sinh tất yếu trong đời sống, vấn đề là chúng ta định vị nó là tài nguyên và ứng xử với nó như thế nào? Rác ở Việt Nam đa phần chưa được phân loại từ đầu nguồn, công tác phân loại cũng gặp khá nhiều khó khăn. Phân loại phải dựa trên thuộc tính, nhưng rác ở Việt Nam bị trộn lẫn tại hộ gia đình khiến khó định vị thuộc tính để có công nghệ xử lý phù hợp. Vì vậy, nếu chúng ta phân loại được, sẽ có những công nghệ phù hợp hơn, tối ưu hơn và đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
Để giải quyết bài toán rác thải thành công, phải đồng bộ từ khâu phân loại tại các hộ gia đình đến thu gom và xử lý. Trong thời gian qua, một số địa phương mới chỉ làm được khâu đầu tiên, rồi khi thu gom lại gom chung lại, đổ vào một xe, khi đưa vào khu xử lý, lại không có công nghệ phù hợp nên rác vẫn chưa được khai thác hết giá trị. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đi vào cuộc sống, được áp dụng ở các địa phương, rất cần sự thống nhất từ chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia và tuyên truyền để người dân hiểu và thực thi.
Tại Việt Nam, chi phí xử lý rác đang được định vị hơi thấp. Một thực tế cho thấy, để xử lý rác, hiện nay thường dao động ở mức từ 400 – 500.000/tấn, thậm chí có nơi trả không đến mức này. Phải là công nghệ tối ưu, năng lực quản trị cực tốt thì doanh nghiệp mới lãi, nếu không sẽ lỗ.
Do vậy, biện pháp đặt ra là cần tăng nguồn đầu tư cho sự nghiệp môi trường, từ 1% GDP như hiện nay, lên khoảng 2-3% GDP. Đồng thời, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước trích để chi cho môi trường là chưa đủ, mà phải cần có nguồn lực đến từ chính người dân, với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, thu phí xử lý rác dựa trên khối lượng thải bỏ. Cùng với đó, về phía Nhà nước, cũng phải dành cho việc xử lý rác một lượng tiền tối thiểu.
Luật lần này có hơn 10 điểm mới; trong đó có cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, từ việc trả tiền phí hay trách nhiệm phân loại, thu gom, xử lý, xử phạt. Đây là sự đổi mới mạnh mẽ trong vấn đề xử lý môi trường.