Vĩnh Phúc sẵn sàng các điều kiện đưa Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào cuộc sống
Môi trường - Ngày đăng : 06:41, 26/11/2020
Các quy định BVMT đã tập trung, đồng bộ và thống nhất
Sau hơn 5 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể kể đến như: hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, chất lượng môi trường tỉnh được duy trì, bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên, không để xảy ra điểm nóng về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, thực tế, cũng đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập trong triển khai. Đó là những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt, việc quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường không khí, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là những chồng chéo, xung đột về quy định pháp luật trong thực hiện thủ tục hành chính về báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xả nước thải thải vào nguồn nước...
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ có tác động lớn đến lĩnh vực bảo vệ môi trường của cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Bộ Luật được kỳ vọng sẽ giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn hiện nay về công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Thanh niên Vĩnh Phúc xung kích tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc |
Theo ông Nguyễn Văn Khước, Vĩnh Phúc là tỉnh có diện tích, quy mô dân số ít, nhưng có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu cả nước, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, khi thực hiện các thủ tục đầu tư triển khai các dự án đã gặp rất nhiều vướng mắc về quy định pháp luật về môi trường với các pháp luật liên quan.
Khoản 3 Điều 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 (sớm hơn thời điểm Luật có hiệu lực 10 tháng) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của tỉnh về những quy định chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư về thời điểm thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường để thuận lợi khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, theo quy định mới, các dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (nhóm I) chỉ yêu cầu thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường và thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng. Đồng thời, với những quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng giải quyết được những chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, ví dụ như quy định việc tích hợp nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong Giấy phép môi trường.
Bên cạnh việc giải quyết các khó khăn vướng mắc do quy định chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và các pháp luật liên quan, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với rất nhiều quy định mới, tiến bộ và tương thích với pháp luật và các thông lệ quốc tế, tiệm cận với các quy định về bảo vệ môi trường của các nước phát triển trên thế giới và các quy định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ về môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
“Các quy định bảo vệ môi trường đã được tập trung, đồng bộ và thống nhất trong Luật, do vậy, việc triển khai vào cuộc sống sẽ đi vào thực chất từng mục tiêu, đối tượng quản lý, thay bằng việc quản lý từ nhận thức đến hành động thực chất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước nhận định.
Sẵn sàng các điều kiện triển khai thực hiện Luật
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khước, ngay sau khi dự thảo Luật được thông qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành liên quan và UBND các cấp nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ với các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, có các chỉ tiêu về môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Trước mắt, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng và ban hành Đề án bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung triển khai ngay các giải pháp như: xây dựng lối sống xanh, thân thiện môi trường; tăng cường đầu tư đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là hạ tầng thiết yếu cho bảo vệ môi trường như thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp; bảo vệ môi trường nước mặt, nước dưới đất, môi trường không khí; cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể của các cấp, ngành; ban hành các quy chế phối hợp, quy định về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh…