Xây dựng kịch bản “đa mục tiêu” phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:41, 26/11/2020

(TN&MT) - Để ứng phó với thiên tai được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cần lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu. Từ đó, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng an toàn trước thiên tai…

Thiên tai cực đoan, thiệt hại nặng nề

Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước với 16 loại hình khác nhau: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 114 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 - 22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 22/11/2020, thiên tai đã làm 346 người chết, mất tích và 874 người bị thương. Đồng thời, ảnh hưởng của thiên tai còn làm 3.424 ngôi nhà bị sập, 333.042 nhà bị hư hại, tốc mái, cần phải di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập.

Mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng tại miền Trung. Ảnh: NP

Về sản xuất nông nghiệp, 196.887 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 con gia súc, 3.706.177 con gia cầm chết, cuốn trôi. Bên cạnh đó, 783km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở,… Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ giữa tháng 9/2020 đến giữa tháng 11/2020, khu vực Trung Bộ đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 8 cơn bão (5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 và 13), 2 cơn áp thấp nhiệt đới và 2 đợt mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 6 - 22/10. Tính đến ngày 22/11, ảnh hưởng của đợt thiên tai này đã làm 249 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 30.025 tỷ đồng.

Ưu tiên bố trí kinh phí cho PCTT

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, để chuẩn bị ứng phó với thiên tai về lâu dài, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Trong đó, chú trọng đến một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, rà soát đánh giá tác động, ảnh hưởng toàn diện của thiên tai, nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất đến tất cả các vùng miền trong cả nước để lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu. Từ đó, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả; xã hội hóa các nguồn lực. Kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương; tăng cường trang thiết bị chuyên dụng, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để phòng chống thiên tai.

Theo Tổng Cục trưởng Trần Quang Hoài, cần ưu tiên bố trí kinh phí trong giai đoạn đầu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và dự phòng ngân sách hàng năm của địa phương và trung ương cho công tác phòng chống thiên tai. Trong vấn đề này, ưu tiên tăng cường cho công tác trồng và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển; chương trình nhà chống lũ, bão, công trình đê, kè, hồ đập, khu tránh trú tàu thuyền; sửa chữa, nâng cấp Văn phòng Ban Chỉ huy các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và dành cho dự án di dân vùng thiên tai; dự án khẩn cấp cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy xây dựng và triển khai chương trình ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác phòng chống thiên tai phù hợp với các vùng miền và từng loại hình thiên tai. Ứng dụng vận hành hồ chứa hợp lý theo thời gian thực để đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Hiện trường vụ sạt núi, vùi lấp dân ở Trà Leng. Ảnh: TC

“Cần tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để làm tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kết hợp với lực lượng vũ trang chuyên nghiệp. Phát huy vai trò của người đứng đầu các của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan tham mưu chỉ đạo, chỉ huy trong phòng chống, thiên tai”, ông Hoài nhấn mạnh.

Cần xây dựng đề án tổng thể

Lưu ý 3 giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục” đối với công tác phòng chống thiên tai, ông Hoài cho rằng, trong giai đoạn phòng ngừa, cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống thiên tai. Nhất là với lũ quét, sạt lở đất, cần chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh miền núi xây dựng đề án về phòng chống thiên tai ở các loại hình này sát với yêu cầu thực tiễn, bao gồm: phương án sơ tán dân, phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và tổ chức tập huấn, diễn tập theo phương án được phê duyệt.

Cũng theo ông Hoài, để chủ động di dời người dân, bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn, cần tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng, tuyến đường giao thông, khu sản xuất

Về lâu dài, chúng ta phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở. Việc tái định cư phải được làm bài bản, trên cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng và ý kiến góp ý của người dân.

Khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương phải kịp thời có thực hiện những giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ. Cần phát huy hiệu quả của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài chưa tiếp cận được hiện trường.

“Đối với những điểm có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất, chính quyền các địa phương phải ngăn chặn những hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng có nguy cơ làm gia tăng sạt lở; nếu bắt buộc phải thực hiện công trình thì phải có giải pháp bảo vệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi xảy ra mưa lũ, tuyệt đối nghiêm cấm không để lực lượng công nhân, lao động làm việc ở những công trình có nguy cơ sạt lở cao”, ông Hoài lưu ý.

Tuyết Chinh