Hành trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn gian nan
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 13:08, 25/11/2020
Quá trình cổ phần hóa còn nhiều vấn đề tiêu cực
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.
Nhưng trong thời gian qua, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; còn có tình trạng nợ nần, thua lỗ, thất thoát. Cơ chế quản trị DNNN, phát triển khoa học công nghệ chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Hòa |
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN và các chủ trương của Đảng về DNNN, công tác cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 đã tập trung hơn vào việc xác định tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cụ thể theo từng năm, từng Bộ, ngành, địa phương và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và qua đó đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ông Đoàn Xuân Tiên đánh giá, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết.
Từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…
KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng; ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 02 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684,31 tỷ đồng.
KTNN cũng đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác; UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất; một số đơn vị chậm phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu cổ phần hóa; kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576,96 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán tại các DNNN cho thấy, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá DN vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán... Ngoài ra, KTNN cũng đã có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đối với công tác cơ cấu, đổi mới, sắp xếp DNNN.
Cổ phần hóa DNNN có những rủi ro lớn
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, cổ phần hóa đem lại cơ hội cung cấp dịch vụ công đạt được mục tiêu và hiệu quả cao, kích thích nền kinh tế ở diện rộng hơn, cho phép chuyển rủi ro từ nhà cung cấp khu vực công sang khu vực tư nhân; cung cấp cơ hội đảm bảo đầu tư vào khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ. Tuy nhiên, cổ phần hóa DNNN cũng đem lại những rủi ro lớn về việc có thể định giá các DNNN thấp hơn giá trị thực. Điều này dẫn đến không thể phục hồi lại giá trị DN và Nhà nước mất đi sự kiểm soát đối với các dịch vụ hoặc chức năng ở khu vực công đã cổ phần hóa.
Cổ phần hóa chậm, xác định không đúng đắn giá trị DNNN dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm” Ảnh: Lưu Nguyên Sơn |
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cổ phần hóa không nên được xem như là “giải pháp vàng” hoặc giải pháp chữa trị thần kỳ cho các hoạt động công - DNNN vốn dĩ đã không hiệu quả. Việc đa dạng hóa sở hữu giúp cải thiện việc ra quyết định của DN, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và nguồn vốn đa dạng hơn, tuy nhiên cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có chiến lược, giải pháp cải cách quản trị DN hiệu quả hỗ trợ.
Trong quá trình cổ phần hóa, ông Vũ Đức Nguyên nhấn mạnh, việc xác định giá trị DN trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án cổ phần hóa về sau. Theo đó, việc kiểm toán kết quả định giá DNNN do KTNN tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình cổ phần hóa để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành.
Thực tế kết quả kiểm toán qua các năm gần đây của các DN trong tiến trình cổ phần hóa, do KTNN thực hiện đã chỉ ra những hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tiến hành một số phương pháp định giá để cân nhắc giá bán phù hợp nhất, ông Vũ Đức Nguyên cũng khuyến nghị các cuộc định giá cần chuyên gia độc lập. Cơ quan Kiểm toán Tối cao nên đảm bảo là các mô hình định giá khác nhau được sử dụng dựa trên các phương pháp phù hợp và hợp lý, tuân theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Việc định giá cần được thực hiện độc lập với quan điểm của cả người mua tiềm năng và của cơ quan quản lý tài sản hiện tại.
Mặc dù vậy, việc xác định giá trị thực tế của một DN chỉ là một trong những yếu tố cần cân nhắc để đảm bảo việc cổ phần hóa DN thành công và tối đa hóa lợi ích cho công chúng. Để đạt được giá trị tốt nhất trong cổ phần hóa DN, điều quan trọng là cần hiểu được mức độ quan tâm của thị trường đối với việc mua lại DN này.
Kinh nghiệm cổ phần hóa DNNN của các nước cho thấy, trong nhiều vụ cổ phần hóa của DNNN quốc tế rất phức tạp và Chính phủ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, định hướng rất chi tiết cho các DN tiềm năng về DNNN muốn cổ phần hóa này.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề về thực trạng công tác cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp DNNN và những ảnh hưởng của tình trạng cổ phần hóa chậm, xác định không đúng đắn giá trị DNNN dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm”, suy giảm lòng tin, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển DN, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia; chỉ ra các điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý hiện nay liên quan đến quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, đặc biệt là các phương pháp xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa liên quan đến quyền sử dụng đất, các ước tính kế toán, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu…