Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:38, 24/11/2020
Lắp đặt các pano, áp phích tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu |
Xây dựng chính sách bản pháp luật về tài nguyên nước
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận thức về giá trị của nguồn nước đối với cuộc sống của con người là một trong những ưu tiên hàng đầu vì mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước. Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định, văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp thực hiện quản lý tài nguyên nước.
Cụ thể, Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo rõ: “Thực hiện các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Suối Các, hồ Núi Nhan, hồ Châu Pha, hồ Kim Long, hồ Suối Nhum…Đồng thời, rà soát, cương quyết di dời các cụm công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước.”
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, thực thi chính sách pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quyết định số 2604/QĐ-UBND về phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND về Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Quyết định 2344/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3636/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục các ngành không thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vùng thượng nguồn các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân; Quyết định số 1611/QĐ-UBND về tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng tập trung; Quyết định số 506/QĐ-UBND phê duyệt đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025…
Song song đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc quản lý đầu tư xây dựng phải thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; nghiêm cấm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước như: xây dựng (nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước) gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại…
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn ban hành kế hoạch “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh” bao gồm nhiều hoạt động như: Phát tờ rơi tuyên truyền bảo vệ nguồn nước; lắp dựng pano áp phích tại các hồ cấp nước; hướng dẫn người dân không xả rác, vứt xác gia súc gia cầm xuống lòng hồ; phổ biến các quy định xử phạt nếu vi phạm hành lang an toàn nguồn nước…
Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tại các tuyến kênh dẫn nước |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Cũng theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm gần đây chất lượng môi trường nước và vấn đề đảm bảo an toàn cho các tuyến dẫn nước về hồ cấp nước sinh hoạt của tỉnh ngày càng được quan tâm bảo vệ và cải thiện. Theo đó, các nguồn thải hầu như đã được kiểm soát tốt; chất lượng nguồn nước sinh hoạt được tỉnh công bố hàng năm đều đạt chuẩn theo quy định.
Cụ thể, đến nay đã có 21/22 trang trại chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải sau biogas và không còn tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó, đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch, nằm ở thượng nguồn hồ nước đã được triển khai theo lộ trình đề ra và kiên quyết hoàn thành việc di dời toàn bộ 104 trang trại vào cuối năm 2021.
Ngoài ra, hơn 18.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó hơn 35% hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải, nước thải (biogas). Tỉnh cũng đã xây dựng được 61 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đồng thời xây dựng thêm 6 trạm quan trắc tự động tại 6 hồ nước chính để theo dõi nguồn nước.
Mặt khác, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 100% rác thải công nghiệp, rác thải y tế đều được thu gom theo đúng quy định.
Tính đến nay, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 99,8%, trong đó sử dụng nước máy từ các hệ cấp nước tập trung đạt tới 91,2% (tăng hơn 25% so với 2015)…
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nước giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống sinh tồn và phát triển của con người. Bảo vệ môi trường các hồ chứa nước là một chiến dịch dài hơi, thường xuyên, xuyên suốt và cần có sự tham gia vào cuộc của tất cả người dân, cộng đồng, doanh nghiệp…Theo đó, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối với với các cơ quan chức năng thực hiện chiến dịch truyền thông “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, theo đó sẽ tập trung tuyên truyền các chính sách bảo vệ nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của các hồ chứa nước; những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và những nguy cơ đe dọa về sự thiếu hụt nguồn nước đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.