Dự báo sớm, tin cậy giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Môi trường - Ngày đăng : 15:30, 23/11/2020
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để tìm hiểu thêm về những bài học kinh nghiệm được rút ra đối với công tác dự báo trong đợt mưa bão vừa qua.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
PV: Thưa ông, ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra nhận định mùa bão năm nay đến muộn, dồn dập về cuối năm. Nhưng chỉ trong vòng hơn 1,5 tháng, miền Trung hứng chịu 9 cơn bão, 2 ATNĐ, cơ quan dự báo đã chủ động với tình huống này như thế nào?
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm: Có thể nói năm 2020 là một năm có diễn biến thời tiết và khí hậu vô cùng phức tạp, đầu năm, chúng ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, cuối năm, lại chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, hai hiện tượng khí hậu có bản chất gần như đối lập nhau. Ngay từ đầu năm, trong các bản tin dự báo mùa, dự báo năm hồi tháng 4/2020, chúng tôi đã nhận định, năm nay sẽ là một mùa mưa bão dồn dập, nhất là trong giai đoạn cuối năm và vùng chịu ảnh hưởng trọng tâm là khu vực miền Trung.
Với tâm lý sẵn sàng ứng phó với diễn biến của mưa bão vào cuối năm, trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11/2020, Trung tâm đã chủ động dự báo từ sớm. Ngoài các bản tin dự báo mùa cập nhật hàng tháng, trong các bản tin dự báo tháng, chúng tôi đã phân tích nhận định khả năng các hiện tượng thiên tai có thể sẽ xuất hiện trong từng giai đoạn 10 ngày của tháng dự báo. Đến các dự báo thời tiết hàng ngày, khi có những dấu hiệu xảy ra thời tiết nguy hiểm, các đợt bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa, lũ, chúng tôi đều có công văn gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo về khả năng xảy ra tình hình thiên tai sẽ tác động đến Việt Nam.
Đối với mọi cơn bão/ATNĐ, Trung tâm xây dựng kịch bản tác động, khu vực tác động, thời gian tác động để lên phương án dự báo, cảnh báo và đưa ra các thông tin dự báo một cách sớm và sát thực tế nhất. Chẳng hạn như với bão số 9, khi nhận thấy cơn bão có thể ảnh hưởng gây gió cấp 12 trong đất liền, chúng tôi đã phát tin bão khẩn cấp và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ngay khi bão vào biển Đông. Nhờ đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tham vấn cho lãnh đạo Chính phủ để Thủ tướng ký công điện khẩn; lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 9 gây ra.
PV: Nhiều nhận định cho rằng, dự báo “sát, kịp thời” đã góp phần đáng kể giảm thiểu thiệt hại do bão lũ lịch sử, đặc biệt là dự báo bão số 9 và cơn bão số 13 năm 2020. Ông đánh giá gì về nhận định này?
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm: Đối với các dự báo cho từng cơn bão/ATNĐ, từng đợt mưa lớn… Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đều dựa trên hệ thống dự báo hiện đại, độ tin cậy cao kết hợp với kinh nghiệm và năng lực của các dự báo viên để đưa ra các dự báo tin cậy, kịp thời nhất. Việc đánh giá, nhận xét của người dân, của xã hội là cần thiết và là một nguồn tin để chúng tôi kiểm chứng, đánh giá để nhìn nhận rõ hiệu quả, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo.
Với tất cả các cơn bão trong năm 2020, đặc biệt là hai cơn cơn bão số 9 và bão số 13 - cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 20 năm qua và có đường đi phức tạp, Trung tâm đều đã dự báo sớm, sát đúng với diễn biến của các cơn bão. Các dự báo sớm và tin cậy này đã hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng như Chính phủ có được những chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
PV: Bão, lũ dồn dập trong thời gian dài, công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm: Biến đổi khí hậu tác động tới thiên tai ngày càng rõ rệt, không chỉ tần suất mà cường độ thiên tai cũng gia tăng, tính khó đoán định của bão/ATNĐ nói riêng các loại hình thiên tai nói chung mà đối với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Đất đá vùi lấp làng Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi ngày 10/11. Ảnh: A.N |
Trong đợt bão/ATNĐ, lũ dồn dập vừa qua, công tác dự báo, cảnh báo gặp phải một số khó khăn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi sâu khi xảy ra bão, lũ dồn dập thì bị mất điện, việc liên lạc bằng điện thoại bị gián đoạn; hoặc một số trạm đo khí tượng và thủy văn bị tốc mái, sét đánh, các trạm đo thủy văn bị ngập sâu trong nước khiến công tác thu thập số liệu và truyền tin gặp khó khăn. Tuy vậy, trong mọi tình huống, nhờ có trước các kịch bản ứng phó, chúng tôi đều khắc phục nhanh và kịp thời để những thông tin đo đạc, phục vụ công tác dự báo không bị gián đoạn và đảm bảo độ chính xác nhất.
PV: Lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở miềnTrung vừa qua đặt ra đòi hỏi cấp thiết về công tác dự báo, cảnh báo loại hình thiên tai này. Thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ triển khai công tác này ra sao?
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm: Để công tác cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị trong Bộ TN&MT tiến hành các nội dung cấp bách.
Trong đó, Trung tâm tiếp tục tiến hành việc điều tra khảo sát, rà soát, khoanh vùng những vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, tăng cường lắp đặt các trạm cảnh báo, kết hợp các bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất với các lớp thông tin để đưa bản tin cảnh báo đến các đơn vị phòng chống thiên tai và người dân kịp thời.
Trong các đợt mưa lũ, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ phối hợp với Viện Khoa học KTTV và BĐKH, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản tiếp tục phân tích, nhận định và đưa ra các bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương.
PV: Theo ông, sau đợt bão, mưa lũ dồn dập vừa qua, công tác dự báo, cảnh báo có được bài học gì để phục vụ tốt nhất phòng chống thiên tai trong điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan?
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm: Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt, cường độ và tần suất ngày càng gia tăng, dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng cực đoan là một bài toán lớn đối với Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ngoài việc đào tạo nâng cao kiến thức và năng lực dự báo cho các dự báo viên, đầu tư thêm về các mô hình dự báo số, các mô hình cảnh báo lũ quét, trượt lở đất, điều tra khảo sát các khu vực có nguy cơ trượt lở; rất mong các phương tiện truyền thông đồng hành để đưa bản tin dự báo tới người dân nhanh nhất; nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, để sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia hiệu quả nhất.
Ngoài ra, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng ta vẫn cần đề phòng các phương án xấu, với thiên tai ta đề phòng mức rủi ro cao nhất mà nó có khả năng xảy ra để sẵn sàng và không bị động trước thiên tai. Bên cạnh đó, thích ứng, ứng xử thích hợp, có kế hoạch phòng ngừa trong mọi tình huống thiên tai có khả năng xuất hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ong!