Thừa Thiên Huế: Rừng trồng gỗ lớn góp phần bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:36, 23/11/2020

(TN&MT) - Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn (RGL) có chứng chỉ FSC không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 311.206 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 211.373 ha, rừng trồng 99.833 ha, song RGL mới chỉ khoảng 9.000 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay khoảng 57,4%. Điều này cho thấy tiềm năng và lợi thế sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã thành lập 19 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) với 393 hộ thành viên với khoảng 2.669,36 ha rừng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Rừng trồng gỗ lớn đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Thừa Thiên Huế

Giám đốc HTXLNBV Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) - Hồ Đa Thê nhận thấy, tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh (SXKD) rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn. Đây không chỉ là cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó bão lũ đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

HTXLNBV Hòa Lộc là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức sản xuất trồng RGL có chứng chỉ FSC. HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ, diện tích xây dựng 700m2 với giá trị 1,2 tỷ đồng. Ngoài vốn góp của thành viên 690 triệu đồng, HTX còn huy động vay của một số thành viên khoảng 2 tỷ đồng đầu tư hoạt động SXKD và dịch vụ. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 410 triệu đồng. Nguồn vốn từ lợi nhuận, các thành viên thống nhất bổ sung vào nguồn vốn đầu tư mở rộng SXKD.

Ông Hồ Đức Lăng, thành viên HTX Hòa Lộc cho biết, với 40 ha rừng trồng sản xuất, lúc còn trồng rừng gỗ dăm, khi đến thời kỳ thu hoạch, ông thường bị thương lái ép giá nên giá trị và hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao. Sau khi trở thành thành viên của HTX Hòa Lộc, ông Lăng quyết định chuyển 40 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đã được cấp chứng chỉ FSC.

“Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC với cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường, đến nay 40 ha rừng FSC của gia đình cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”, ông Lăng chia sẻ.

Ông Võ Văn Dự - Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA) đánh giá, trồng RGL, quản lý rừng bền vững góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu. Đồng thời, đảm bảo môi trường xanh, bồi bổ và bảo vệ đất đai, nguồn nước, lưu giữ các bon, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bìa trái) đánh giá cao các mô hình HTX lâm nghiệp bền vững ở Thừa Thiên Huế

Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2020 xây dựng 16 ngàn ha RGL, tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC, sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường với diện tích 9.000 ha. Trở ngại lớn trong quá trình thực hiện trồng RGL có thể thấy từ nhiều nguyên nhân, do chu kỳ thu hoạch dài (từ 7 năm trở lên) nên nhiều hộ không có khả năng tài chính duy trì; việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc RGL chưa đầy đủ làm hạn chế đến năng suất, chất lượng gỗ, rủi ro thiên tai...

“Một trong những xu hướng phát triển kinh tế rừng, quản lý đất lâm nghiệp bền vững, con đường tích tụ ruộng đất thích hợp để hình thành vùng nguyên liệu tập trung là hình thành các HTXLNBV theo chuỗi giá trị, mà các xã viên là các lâm hộ có quy mô sản xuất với mức hạn điền nhỏ. Việc đẩy mạnh thành lập HTXLNBV tại các địa phương, tiến đến hình thành liên hiệp các HTXLNBV là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế hội nhập. FOSDA đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ thành lập mới, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXLNBV. Đồng thời, đầu tư sản xuất nguồn giống chất lượng, thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu trồng RGL trên địa bàn tỉnh”, ông Dự nói.

Văn Dinh