Tổng thư ký Liên hợp quốc: EU tiên phong về hành động khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 21:02, 21/11/2020

(TN&MT) - Nhấn mạnh luật pháp và chính sách là yếu tố ưu tiên, mới đây người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên là “một tổ chức đi đầu về hành động khí hậu”, giúp cắt giảm lượng khí thải mà vẫn tăng trưởng kinh tế.

Các bé gái chờ đợi bên một giếng cạn ở Garbahaarey, một thị trấn ở miền Nam Somalia bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Ảnh: UN Photo / David Mutua

Phát biểu trực tuyến trong cuộc họp với Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh hành động vì khí hậu của EU, đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng ta vẫn chưa về đích… và vẫn đang chạy sau trong cuộc đua với thời gian”.

Khuyến khích ứng phó

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc công bố vào đầu năm 2021, các quốc gia sẽ chịu trách nhiệm về hơn 65% lượng khí thải CO2 toàn cầu và hơn 70% nền kinh tế thế giới, sẽ đưa ra “cam kết đầy tham vọng về tính trung lập carbon”.

Theo ông, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cam kết trung lập carbon vào năm 2050, cùng với hơn 110 quốc gia khác. Trung Quốc cho hay quốc gia này sẽ cam kết như vậy trước năm 2060.

Cần tăng cường hành động khí hậu

Ông Antonio, nhà ngoại giao hàng đầu thế giới nhấn mạnh sự cần thiết của “mọi quốc gia, thành phố, tổ chức tài chính và công ty” áp dụng các kế hoạch chuyển đổi sang không phát thải vào năm 2050. Ông kêu gọi họ sẵn sàng trước tháng 11/2021, khi Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tiếp theo dự kiến được tổ chức tại Scotland. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các Đóng góp do Quốc gia xác định (NDC) cần thiết theo Thỏa thuận Paris 2015 và các chiến lược dài hạn nhằm trung lập cacbon.

Ông khẳng định rằng các quốc gia giàu có nhất G20, vốn chịu trách nhiệm cho hơn 80% lượng khí thải gây ô nhiễm, phải xác định rõ kế hoạch không phát thải, đồng thời ông thừa nhận EU là những nước dẫn đầu về không phát thải ròng. Ông kêu gọi các nước này tiếp tục dẫn đầu với các cam kết cụ thể và đầy tham vọng trong thời gian ngắn hạn và ông ủng hộ các Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của các thành viên EU khi chúng phản ánh mức giảm khí thải ít nhất 55% vào năm 2030.

Ông nói rằng hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu vào tháng tới, kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu mang tính bước ngoặt do Liên hợp quốc phối hợp với Vương quốc Anh và Pháp đồng tổ chức sẽ là dịp để EU trình bày kế hoạch khí hậu đầy tham vọng hơn.

“Tham vọng ngày càng lớn của G20 cũng có nghĩa là phải điều chỉnh các kế hoạch kinh tế và các biện pháp phục hồi COVID-19 với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Điều cần thiết là EU phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

“Một minh chứng mạnh mẽ”

Khẳng định rằng EU đã và đang xây dựng tình đoàn kết với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, ông Guterres chỉ ra rằng các đề xuất của khối nhằm tăng cường biện pháp đối mặt với bất bình đẳng và bảo vệ những người bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi “có thể là một minh chứng mạnh mẽ”.

EU có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ cần thiết để phục hồi bền vững từ COVID-19 và nâng cao tham vọng khí hậu của chính họ - thông qua hỗ trợ giảm thiểu, thích ứng và khả năng phục hồi. Để đạt được mục tiêu này, ông Antonio yêu cầu EU và các nước tài trợ khác cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển hàng năm.

Hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu vào ngày 12/12/2020 và COP26 vào năm tới, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng “thế giới một lần nữa sẽ quan tâm đến EU về vai trò tiên phong về khí hậu của khối”.

Mai Đan