Bến Tre: Triển khai nhiều công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:59, 20/11/2020

(TN&MT) - Với điều kiện vị trí cuối nguồn sông Mê Kông và đặc điểm địa hình, kinh tế nông nghiệp, Bến Tre được đánh giá dễ tổn thương từ các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Qua đó, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp, tận dụng mọi nguồn lực để ứng phó một cách chủ động. 

Tình hình sạt lở ven sông, ven biển tại Bến Tre ngày càng diễn biến phức tạp

Diễn biến bất thường

Thực tế trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao; mưa trái mùa, bão xuất hiện, tác động nhiều hơn và diễn biến khó lường; triều cường với đỉnh triều ở mức cao gây tràn, sạt lở các tuyến đê bao. Cùng với đó, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt do nước biển dâng, khô hạn kéo dài làm ranh giới mặn ngày càng đi sâu vào nội đồng. 

Đặc biệt, đầu năm 2016, nồng độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông trên 60 km và nồng độ mặn 1‰ xâm nhập 162/164 xã, phường, thị trấn. Tại đợt hạn mặn này, toàn tỉnh Bến Tre có gần 19.800 ha lúa đông xuân mất trắng; trên 500 ha hoa màu, rau màu; 13.000 hoa kiểng, cây cảnh các loại; 1.275 ha cây ăn quả bị hư hại; thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến hơn 88.200 hộ dân. Thiệt hại ước tính gần 1.800 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục hứng chịu đợt hạn mặn nghiêm trọng, kéo dài. Tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh diễn biến phức tạp, mặn xâm nhập nhanh và sâu vào nội đồng, nặng hơn đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2016, độ mặn hơn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53-68km, độ mặn 1‰ bao trùm toàn tỉnh. UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, ước thiệt hại do hạn hán, xâm mặn đầu năm 2019 khoảng gần 1.700 tỷ đồng. 

Tác động BĐKH và nước biển dâng sẽ tiếp tục gia tăng, nhiều địa phương ở Bến Tre dự báo có nguy cơ ngập cao

Mặt khác, các đợt triều cường có xu hướng tăng ở mức cao. Tình hình sạt lở ven sông, ven biển có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Qua thống kê, trên toàn tỉnh Bến Tre hiện có 92 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 118 km, làm ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân và 1.990 công trình hạ tầng, trong đó có 460 công trình nằm trong khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Dự báo trong thời gian tới, tác động BĐKH và nước biển dâng sẽ tiếp tục gia tăng tác động đến tỉnh Bến Tre. Theo kịch bản Bộ TN&MT năm 2016, Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển có nguy cơ ngập cao. Khi mực nước biển dâng 50cm thì 6,21% diện tích tỉnh có nguy cơ ngập, nước biển dâng 80cm là 12,8% và 22,2% khi nước biển dâng 100cm. Trong đó, các huyện có diện tích ngập lớn là Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam,... 

Theo Kịch bản BĐKH tỉnh Bến Tre, đến năm 2030 ranh giới mặn 4‰ sẽ xâm nhập khoảng 60-70km từ cửa sông vào thời điểm các tháng mùa khô. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019 độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến xã Tân Thiềng huyện Chợ Lách, có thời điểm ghi nhận độ mặn lớn hơn 6%. Kết quả thực tế này cho thấy, xâm nhập mặn diễn biến bất thường và đến sớm hơn so với dự báo.

Bến Tre tập trung xây dựng các công trình trọng điểm ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn

Triển khai nhiều công trình thích ứng

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp do BĐKH, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp, truyền thông nâng cao nhận thức, tận dụng mọi nguồn lực để ứng phó một cách chủ động và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Bến Tre đã triển khai xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nước và cảnh báo mặn tự động, với 20 trạm quan trắc trên các nhánh sông chính của tỉnh. Hệ thống thông tin, dữ liệu có thể kết nối, chia sẻ cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL. 

Các công trình trọng điểm về quản lý nước, ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn đã và đang triển khai thực hiện. Trong đó, điển hình là dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre nhằm mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản cho trên 110.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh; Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre và Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre với tổng diện tích đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn khoảng 194.800 ha.

Hồ chứa ngọt Kênh Lấp huyện Ba Tri với sức chứa gần 01 triệu m3 nước ngọt thô phục vụ cho 200.000 dân, 100.000 gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 150 trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn 24 xã, thị trấn huyện Ba Tri; Dự án Cấp nước sinh hoạt Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách.

Hồ Kênh Lấp (Ba Tri) với sức chứa gần 01 triệu m3 nước ngọt thô đã phát huy hiệu quả bước đầu

Trong ứng phó sạt lở, tỉnh Bến Tre đã trồng mới gần 100 ha rừng ven biển, nâng tổng diện tích rừng hiện có là 4.189 ha; triển khai thí điểm giải pháp mềm - vải địa kỹ thuật bảo vệ bờ biển huyện Thạnh Phú; triển khai 3 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp gồm: kè sạt lở Cồn Phú Đa - Phú Bình (huyện Chợ Lách), kè giảm sóng bảo vệ khu vực bờ biển Cồn Ngoài (huyện Ba Tri) và kè giảm sóng bảo vệ khu vực bờ biển Cồn Bửng (huyện Thạnh Phú).

Theo ông Bùi Minh Tuấn, hiện tại, ngành TN&MT Bến Tre đang triển khai hai nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu BĐKH và Tăng trưởng xanh để chuẩn bị tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch ứng phó cho giai đoạn tiếp theo là: “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Bến Tre” và “Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. 

Đồng thời, phối hợp các Sở, ngành và địa phương triển khai dự án trọng điểm thích ứng BĐKH của tỉnh như: Phát triển xã Hưng Phong (Cồn ốc) thích ứng BĐKH; thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mê Kông; liên kết với các trường Đại học trong khu vực để triển khai các nhiệm vụ dự án về môi trường và BĐKH...

Bạch Thanh