Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
Thời sự - Ngày đăng : 14:01, 20/11/2020
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp |
Ông Nguyễn Bá Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng có đầy đủ căn cứ pháp lý gồm Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Nội dung Nhiệm vụ lập Quy hoạch được xây dựng tuân thủ các hướng dẫn tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Quy hoạch được dự kiến sẽ triển khai xây dựng 10 nhóm đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, trong đó, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một số nhiệm vụ mới dự kiến được bổ sung vào Quy hoạch gồm: xây dựng bản đồ nền địa chất phần đất liền phục vụ các ngành kinh tế - xã hội; điều tra kiến tạo - địa động lực; điều tra, đánh giá khoáng sản ở các khu vực biển có triển vọng; điều tra phục vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản, phục vụ công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin địa chất, khoáng sản tích hợp với cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ kịp thời phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các Ủy viên Hội đồng |
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam mong muốn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để có thể chỉnh sửa các con số, nội dung quy hoạch đảm bảo xác thực, cũng như tiến độ thực hiện, nguồn vốn có tính khả thi.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên khẳng định nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc cần thiết, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức tiến hành các công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn này.
Ngoài ra, đây cũng là cơ sở pháp lý cho các đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng các đề án, dự án cụ thể sau khi quy hoạch được phê duyệt, đồng thời là căn cứ để bố trí tiến hành công tác cũng như cân đối nguồn vốn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: “Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản được đưa vào khai thác và đấu giá phục vụ cho nền kinh tế, đó chính là thành tựu của những giai đoạn trước. Tuy nhiên, hiện nay ,nếu tiếp tục như thế này, chúng ta sẽ “ăn đong”, tức là không còn mỏ để đấu giá, không còn mỏ để cấp phép khai thác mới. Chính vì thế, về công tác điều tra khoáng sản, một số đề án như “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”, đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” được tiến hành nhằm mục đích sớm phát hiện những khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản đa kim, góp phần khắc phục tình trạng “ăn đong” trên”.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, cần mạnh dạn chấm dứt việc khai thác nhỏ lẻ, đầu tư điều tra góp vốn dẫn tới quy mô không phải công nghiệp; muốn vậy Nhà nước phải đầu tư. “Các Bộ, ban ngành chia sẻ mong muốn đóng góp của lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung, trong đó, có lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đối với đất nước. Nếu không tiến hành quy hoạch, chỉ khoảng 10 năm tới chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu”, Thứ trưởng nói thêm.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá dự thảo nhiệm vụ phản ánh khách quan, chính xác việc thực hiện 2 Quy hoạch, đặc biệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 1388) và đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế mà chúng ta có thể khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên, hoàn thiện sớm nhiệm vụ lập Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11 này và phấn đấu trước ngày 31/12/2020 có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, làm căn cứ để triển khai các nội dung tiếp theo trong năm 2021 và quý 1/2022.
Trong số 22 ủy viên của Hội đồng có mặt, có 19 phiếu thông qua có sửa chữa và 3 phiếu thông qua nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.